Để ủng hộ phong trào này với quan niệm “cái xấu cần được nói ra, khi nhiều cái xấu được nói ra thì xã hội sẽ được trong sạch”, trong Tọa đàm "#metoo, and you?" diễn ra chiều 27.4, tại Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh – giảng viên Đại học Ngoại thương Hà Nội đã kể về câu chuyện của mình - một nạn nhân của QRTD.
“Đó có thể là những động chạm thân thể của đồng nghiệp hoặc bằng những lời nói bông đùa của nam giới về tình dục, nhưng điều này khiến tôi không thoải mái. Khi gặp phải những vấn đề này, lúc đầu, tôi thường kể lại với những phụ nữ khác để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng tôi nhận được những câu trả lời là “con gái thì phải giữ lấy thân”, “ui dào, những chuyện như này nhiều lắm”.
Những người không thiện chí còn mắng tôi là ai bảo mày ăn mặc thế này, thế kia, con gái mà dại”, hay kiểu như “cứ tưởng mình báu lắm đấy”, “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”…
Mấy chục năm qua, tôi vừa là nạn nhân, vừa chứng kiến rất nhiều nạn nhân khác gặp phải những vấn đề tương tự như mình. Nhưng tôi học phản xạ tự bảo vệ lấy mình bằng cách giữ im lặng, giữ cho riêng mình” - PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh chia sẻ.
Cũng theo bà Ánh, vấn đề quấy rối tình dục đang diễn ra nhiều nơi ở Việt Nam, từ trường học, công sở, doanh nghiệp, mà nạn nhân chủ yếu là nữ giới.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú–Giám đốc Công ty Luật Fanci, pháp luật VN hiện đang bỏ trống, chưa có quy định cụ thể về QRTD. Trong khi đó, QRTD đang làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em, kéo xã hội tụt lùi.
Ví dụ, đi liên hoan, ăn uống, phụ nữ có thể bị nam giới ép rượu, có những hành động như quàng tay ôm, hay có những câu nói hàm ý về chuyện tình dục (chính cô đã từng bị một sinh viên có những hành vi này).
“Trong cuộc đời dạy học của mình, tôi được nghe nhiều học sinh, sinh viên nói rằng các em bị thầy nọ, thầy kia có hành vi động chạm thân thể. Tôi cũng đi tìm những người có trách nhiệm để giúp đỡ các em, nhưng câu trả lời tôi nhận được là: “Không có bằng chứng nào cả, không thể xử lý giáo viên vì một lời xì xào”.
Không được bảo vệ, lắng nghe, nên giới sinh viên tự đồn thổi với nhau, bảo nhau tránh xa thầy giáo đó ra. Đây cũng là một bản án vô hình với giáo viên đó. Tuy nhiên, không thể ngăn chặn được nạn QRTD"- PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh nói.
Thời gian qua, phong trào “Me too” được chia rẻ rầm rộ trên mạng xã hội, PGS-TS Nguyễn Hoàng Ánh hy vọng sẽ có thêm nhiều người nói ra câu chuyện của mình, để góp phần đẩy lùi nạn QRTD, trả lại môi trường làm việc, học tập trong lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là nữ giới.
Tại buổi tọa đàm, bà Hoàng Thị Thu Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ bàn bạc với cơ quan liên quan để đưa vấn đề QRTD vào Bộ luật Lao động, góp phần xây dựng môi trường lao động trong sạch, an toàn cho NLĐ, nhất là lao động nữ trong tất cả các ngành nghề.