Tháng 1.2018, Ban Phát triển các chương trình môn học đã xây dựng xong dự thảo chương trình 19 môn học và hoạt động giáo dục ở các cấp (trừ môn Ngoại ngữ 1 đang được hoàn thiện). Dự thảo sẽ được đăng tải công khai để lấy ý kiến nhân dân.
So với chương trình hiện hành, chương trình mới có nhiều điểm thay đổi tiến bộ. Ngoài việc giảm tải chương trình, giáo viên sẽ được tăng quyền tự chủ về chuyên môn, khi phần lớn các môn học đều được xây dựng theo hướng mở.
Trong đó, môn Ngữ văn có nhiều thay đổi. Một trong những điểm khác biệt so với chương trình cũ là nhóm soạn thảo chỉ quy định học bắt buộc đối với 6 tác phẩm (Nam quốc sơn hà - Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh).
Tất cả các văn bản còn lại, trong đó có nhiều tác phẩm trước đây từng có trong chương trình-SGK sẽ được đưa vào phụ lục để các tác giả và giáo viên chủ động lựa chọn văn bản cho SGK và dạy học trên lớp.
Những giờ qua, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc 6 tác phẩm văn học bắt buộc đều mang cảm hứng sử thi, giáo dục học sinh lòng yêu nước, mà thiếu đi những tác phẩm văn học đời thường, gần gũi với học sinh.
Về điều này, chủ biên chương trình môn Ngữ văn, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) đã có những trao đổi thẳng thắn.
Ông cho rằng, trong nền văn học dân tộc có rất nhiều tác phẩm văn học khác cũng có giá trị nhân văn, có tính giáo dục cao; nhưng 6 tác phẩm trên có những giá trị và vị trí đặc biệt mà các tác phẩm khác khó cùng loại.
Ngoài ra, với hơn 4.000 giờ Ngữ văn, SGK và giáo viên sẽ phải giới thiệu thêm rất nhiều văn bản, gấp nhiều lần 6 tác phẩm này, vì thế không thiếu những tác phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu đời thường.
Chủ biên chương trình môn Ngữ văn nhấn mạnh, những người soạn thảo muốn dành quyền cho tác giả viết SGK và giáo viên, học sinh tự lựa chọn.
Ví dụ, để đáp ứng yêu cầu cần dạy cho học sinh biết đọc hiểu và tiếp nhận truyện cổ tích Việt Nam thì có thể chọn Thạch Sanh hoặc Cây khế, hoặc Sọ Dừa… Ở giai đoạn văn học 1930 - 1945, có nhiều nhà văn, nhiều tác phẩm có giá trị, chương trình chỉ nêu gợi ý, còn việc chọn tác phẩm của Vũ Trọng Phụng hay Nam Cao, Ngô Tất Tố, Thạch Lam.... thì dành quyền cho tác giả viết sách và người thực hiện dạy học lựa chọn.
(Xem tóm tắt Chương trình môn Tiếng Việt/ Ngữ Văn tại đây)