Thiết kế đề thi không dễ dàng
Bộ GDĐT yêu cầu giáo viên tránh sử dụng văn bản trong sách giáo khoa làm ngữ liệu ra đề thi môn Ngữ văn từ năm học 2022 - 2023.
Cô Bùi Thị Dung, giáo viên Trường THPT Kiến Thuỵ (Hải Phòng) nhận định, đề thi môn Ngữ văn kiểu mới là xu hướng tất yếu, đáp ứng thực tế giáo dục hiện nay khi đề cao sự chủ động, tích cực học hỏi tìm tòi của học sinh. Tuy nhiên, theo giáo viên này, khó khăn lớn nhất là sự hạn chế của phạm vi thể loại ra đề.
Cụ thể, đề thi có thể chọn ngữ liệu thơ hay đoạn văn mới, thậm chí là một nhân vật mới nhưng vì học sinh chưa tiếp cận với các văn bản thì khó có thể làm tốt được.
“Tìm văn bản ngoài sách giáo khoa cho học sinh ôn luyện, kiểm tra rất khó. Hiện cũng chưa có kho ngữ liệu chuẩn nào để giáo viên tham khảo và trao đổi tài liệu với nhau. Bản thân tôi luôn tự tìm hiểu ngữ liệu trong sách nâng cao, bổ trợ để ra đề. Vì vậy, việc chọn ngữ liệu cũng khiến cho nhiều giáo viên vô cùng băn khoăn” – cô Dung chia sẻ.
Cô Dung cũng cho biết thêm, khi ra đề thi còn phải đáp ứng đủ tiêu chí vừa mới vừa hay nếu không muốn bị đánh giá nhàm chán, nhưng ngữ liệu quá mới lại khiến học sinh bất ngờ và choáng ngợp.
Bởi lẽ, không phải học sinh nào cũng có đủ năng lực và kỹ năng tìm hiểu những văn bản bên ngoài.
"Ra đề thi Ngữ văn là một thách thức đối với bản thân tôi cũng như nhiều giáo viên" - cô Dung nói.
“Căng não” khi chấm thi
Nhiều giáo viên nhận định, đổi mới đề thi đồng nghĩa với việc cách chấm điểm cũng cần thay đổi. Khung đáp án cần mở rộng để giáo viên “thoáng tay” hơn khi chấm điểm. Từ đó, giúp giáo viên tránh sự khuôn mẫu và máy móc trong quá trình chấm điểm của học sinh.
Trao đổi về điểm mới trong đề thi Ngữ văn, cô Nguyễn Thị Thoa, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Dương) chia sẻ: “Giáo viên cũng không nên quá khắt khe khi chấm thi. Nếu như hành văn của các em gần sát với đáp án thì cũng nên cho điểm. Điều đó giúp học sinh không bị thiệt thòi nhưng chính mình phải cẩn thận để hiểu ý tứ trong bài của các em”.
Cũng theo cô Thoa, việc chấm thi đòi hỏi giáo viên có chuyên môn. Giáo viên là người phát hiện sự vận dụng kỹ năng của học sinh, tôn trọng những cách lý giải vấn đề một cách hợp lý, không lệch chuẩn và vẫn đảm bảo được sự đúng đắn của bài viết.
“Để viết được một đoạn văn, bài văn nghị luận tốt đòi hỏi người viết phải có kỹ năng diễn đạt và khả năng cảm thụ vấn đề sâu sắc. Khả năng này không phải học sinh nào cũng giống nhau.
Vì vậy, tôi luôn đọc kỹ, đọc sâu, phát hiện ý để cho điểm trong trường hợp thí sinh diễn đạt còn tối nghĩa, lan man. Cùng với đó, khi chấm phải luôn đặt mình vào vị trí của học sinh để có thể hiểu được cách diễn đạt, cảm nhận được những gì các em muốn thể hiện trong bài chứ không máy móc dựa vào từng câu, chữ trong đáp án” – cô Thoa nói.
Cùng quan điểm với cô Thoa, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy Ngữ văn tại một trường THPT ở Quảng Ninh cho hay, việc chấm thi cần khách quan, công bằng và không nên đọc lướt vì như thế dễ bỏ sót ý của các em.
Cô Hà đánh giá, vì giáo viên chưa được tập huấn hay hướng dẫn cụ thể việc ra đề, đánh giá theo chương trình mới nên hầu hết phải dùng kinh nghiệm cá nhân để thực hiện.
“Việc ra đề sử dụng hình thức trắc nghiệm đã là một việc rất khó bởi đáp án phải được chọn lọc để phân loại học sinh. Không thể ra những câu trắc nghiệm mà đáp án như cho không điểm các em. Bên cạnh đó, việc chấm thi cũng rất căng thẳng khi phải vừa linh hoạt vừa công tâm” – cô Hà tâm sự.