Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, năm 2021, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển 11.250 chỉ tiêu. Trường sẽ tuyển sinh 132 ngành/chương trình đào tạo thuộc các lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên với các phương thức xét tuyển tương tự năm 2020.
Cụ thể, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, quy định đặc thù trong đào tạo bậc THPT chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội và hướng dẫn tuyển sinh đại học chính quy của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Phương thức thứ hai là xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và xét tuyển các thí sinh có chứng chỉ quốc tế.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội còn xét tuyển thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực do Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/chương trình đào tạo theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Kết quả thi đánh giá năng lực được sử dụng như một phương án xét tuyển khác, song song với phương thức xét tuyển theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác được ĐH Quốc gia Hà Nội sử dụng trong năm 2020.
Tránh học tủ, học lệch
GS Nguyễn Đình Đức cũng đưa ra một số lưu ý với thí sinh khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Theo đó, bài thi sẽ tiếp cận theo hướng đánh giá năng lực toàn diện học sinh THPT chứ không đơn thuần phục vụ tuyển sinh đại học như năm 2015, 2016. Cấu trúc, bài thi đánh giá năng lực gồm 3 hợp phần:
Phần 1: Tư duy định lượng gồm 50 câu hỏi thực hiện trong 75 phút;
Phần 2: Tư duy định tính có 50 câu hỏi, 60 phút;
Phần 3: Khoa học (thuộc lĩnh vực KHTN, CN và KHXH) gồm 50 câu hỏi, 60 phút. Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính, với tổng thời gian là 195 phút, tổng điểm bài thi là 150 điểm.
Quy mô năm nay, dự kiến khoảng 10.000 thí sinh đăng ký dự thi và được tổ chức trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 4-5 đợt/năm. Thời gian đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 1.4.2021 (áp dụng cho đợt thi đầu tiên - tổ chức vào tháng 5.2021).
Thí sinh được lựa chọn ngày thi, ca thi, đợt thi phù hợp với kế hoạch cá nhân, được thay đổi thời gian thi trước 14 ngày dự thi và tra cứu thông tin dự thi, kết quả thi bằng tài khoản được cấp tại Cổng thông tin Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo GS Nguyễn Đình Đức, việc tổ chức làm nhiều đợt thi trước tiên là tạo nhiều cơ hội cho thí sinh, thí sinh có thể chủ động hoàn toàn kế hoạch dự thi của mình sao cho thuận lợi nhất. Tiếp nữa, việc thi làm nhiều đợt sẽ tạo tâm lý thoải mái và giảm bớt áp lực cho thí sinh.
Lưu ý với học sinh, GS Đức cho rằng, thí sinh tránh học tủ, học lệch hay ôn luyện tại bất kỳ trung tâm ôn thi nào. Thay vào đó, cần dành nhiều thời gian ôn tập lại các kiến thức đã học, rèn luyện kỹ năng làm bài trước kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới và/hoặc kỳ thi đánh giá năng lực do Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; thí sinh có thể tham khảo bài thi mẫu trước khi đăng ký dự thi đánh giá năng lực dự kiến sẽ được công bố trước ngày 15.3.2021.