Vật lộn với học online
Nguyễn Hoàng Khánh là học sinh lớp 7, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm ở quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Đầu hè, Khánh theo mẹ về quê ngoại ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk và bị mắc kẹt luôn trong đó cho đến thời điểm này do dịch COVID-19 bùng phát kéo dài ở Đà Nẵng.
Năm học mới buộc phải online ngay từ ngày khai giảng. Do tất cả quần áo, sách vở, dụng cụ học tập chuẩn bị cho năm học mới đều để hết ở Đà Nẵng, nên gia đình Hoàng Khánh trên Đắk Lắk lại thêm lần nữa phải tất tả ngược xuôi mua sắm mọi thứ.
“Cắn răng” là chữ dùng của chị Hương - mẹ Hoàng Khánh nói về việc học đầu năm của con. Bởi “trước đó đã một lần chi tiền triệu mua sắm ở Đà Nẵng, giờ sắm nữa thì tới đây sẽ thừa. Nhưng không sắm thì chẳng lẽ để con mình học chay, dù kinh tế gia đình trong mùa dịch, mấy chữ “khó khăn” vẫn không thể nào diễn tả được hết".
“Nhưng chuyện học online của con mới đúng là trần ai”, chị Hương kể tiếp. Do lúc rời Đà Nẵng chị không mang theo máy tính, nên vào năm học mới, hai mẹ con có mỗi chiếc điện thoại trong khi bản thân chị Hương là giảng viên của một trường đại học ở Đà Nẵng cũng phải dạy online.
Và lần này thì chị Hương phải “nghiến răng” để bỏ ra hơn 10 triệu mua một cái máy tính xách tay phục vụ cho việc dạy và học của hai mẹ con trước mắt. Dù tương lai, cái máy tính đó lại là vật dụng thừa.
“Dù thật sự khó khăn và oái ăm, nhưng mẹ con tôi dù sao vẫn còn đỡ hơn nhiều người hàng xóm và bạn bè ở Đà Nẵng nhưng cùng hoàn cảnh mắc kẹt. Tôi tận mắt chứng kiến nhiều gia đình bạn bè mình có 2 hoặc 3 con đang phải học online nhưng không có tiền để sắm máy tính. Thế là mấy đứa nhỏ ngày này sang ngày khác, thay vì ngồi học thì gần như dành hết thời gian để vật lộn nhau trên chiếc điện thoại bé tí. Thấy bọn trẻ thương ứa nước mắt mà không thể giúp gì được”, chị Hương thở dài.
Mùa hè dài hơn thế kỷ
Chỉ trừ một vài chuyến bay đưa công dân từ TP. Hồ Chí Minh về Đà Nẵng những ngày đầu, còn lại suốt đợt dịch COVID-19 vừa qua, thành phố Đà Nẵng gần như nội bất xuất ngoại bất nhập với cấp độ tăng dần đến việc hiện Chỉ thị 16+ của Thủ tướng Chính phủ.
Vậy nên đường về của những người bị mắc kẹt bên ngoài như mẹ con chị Hương ngày càng mơ hồ. Và tia hy vọng loé lên với mẹ con chị khi giữa tháng 9, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng phát văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn thống kê số học sinh của trường mình đang còn mắc kẹt ở các địa phương cũng như đăng ký danh sách học sinh cùng người đi cùng quay về Đà Nẵng để thành phố lên kế hoạch giải quyết.
“Nhận được thông báo từ cô giáo chủ nhiệm của Hoàng Khánh, mẹ con tôi điền đăng ký xong là vội vã chuẩn bị hành lý vì cứ nghĩ chắc mai kia gì là sẽ được về. Ai ngờ đợi mãi, hỏi mãi vẫn chỉ nghe hồi âm là “thành phố đang lên kế hoạch”, chị Hương nói.
Những ngày cuối tháng 9, Đà Nẵng liên tục ban hành 2 văn bản liên quan đến chuyện vào ra thành phố của công dân. Nhưng cả hai văn bản chỉ giải quyết cho một nhóm đối tượng hạn chế như công vụ, người lao động trong các doanh nghiệp có cấp phép hoạt động, giải quyết y tế và những người có nhu cầu muốn ra khỏi thành phố Đà Nẵng với hàng loạt thủ tục cấp phép, xin cho rất nhiêu khê.
Mãi đến ngày 25.9, hy vọng trở về lại lần nữa được thắp lên với mẹ con chị Hương khi Đà Nẵng phát văn bản thông báo kế hoạch đón hơn 17.000 giáo viên, học sinh và người đi cùng bị mắc kẹt ở 55 tỉnh thành quay về, với thời gian chia làm nhiều đợt. Đợt 1 từ ngày 29.9.2021 đến hết ngày 6.10.2021 đối với công dân trở về thành phố tự túc phương tiện đi lại đường bộ.
Nhưng lần nữa mẹ con chị Hương lại thất vọng. Chị kể mình gần như phát khóc khi đọc đến đoạn trong văn bản của thành phố Đà Nẵng: “Riêng công dân đang ở tại các tỉnh, thành phố: An Giang, Bình Dương, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố sẽ xem xét, cho phép trở về trong đợt tiếp theo khi các điều kiện chuẩn bị và hỗ trợ được thuận lợi hơn”.
“Lần đầu tiên trong đời, mẹ con tôi có một kỳ nghỉ hè với cảm giác dài hơn cả thế kỷ. Giờ thì không còn cách nào khác ngoài việc phải chờ đợt tiếp theo. Nhưng không ai cho chúng tôi biết đợt tiếp theo sẽ là khi nào và bao giờ thì điều kiện chuẩn bị, hỗ trợ của Đà Nẵng được thuận lợi hơn…”, chị Hương nói.