Theo ghi nhận của Lao Động, thời điểm này, dù chưa kết thúc năm học, nhiều trường THPT tư thục trên địa bàn Hà Nội đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển. Tại nhiều trường, phụ huynh đăng kí xét tuyển, ghi danh sẽ phải đóng khoản chi phí từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Trong thông báo tuyển sinh, các trường đều đưa ra khuyến cáo: “Cha mẹ học sinh nên nộp hồ sơ cho con sớm vì các năm gần đây số lượng hồ sơ nộp xét tuyển vào lớp 10 rất lớn. Khi đủ chỉ tiêu, trường sẽ dừng ngay công tác tuyển sinh”.
Ngày 6.4, Hệ thống liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội thông báo sẽ triển khai thu phí giữ chỗ với tất cả các học sinh tại trường Tiểu học Lômônôxốp; trường Tiểu học và THCS Lômônôxốp Tây Hà Nội.
Đối với học sinh hệ cơ bản, mức phí là 3 triệu đồng, hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng. Sau khi vào năm học, khoản phí này sẽ được đối trừ vào các khoản thu đầu năm và không được hoàn lại với những học sinh không theo học tại trường.
Phụ huynh tất cả các khối (trừ khối học sinh cuối cấp - lớp 5, lớp 9) có nguyện vọng cho con học tiếp tại trường sẽ phải đóng phí giữ chỗ trước ngày 15.4.2023.
Từ thời điểm đầu tháng 2, Trường THPT Trí Đức cũng phát ra thông báo tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 bằng hình thức xét học bạ kết hợp với điểm thi và phỏng vấn trực tiếp.
Học sinh trúng tuyển vào trường sẽ làm thủ tục ghi danh và đóng phí 3 triệu đồng. Nhà trường cho biết, khoản tiền này sẽ không được hoàn trả nếu học sinh không nhập học.
Hay tại Trường THPT Lương Văn Can, học sinh xét tuyển vào trường cũng sẽ được trường tư vấn đóng "phí giữ chỗ" 2 triệu đồng.
Theo lý giải của các trường, “phí giữ chỗ" được xem như một hình thức "giữ chân" học sinh khi nộp hồ sơ vào trường trước khi bắt đầu năm học mới. Đây là khoản thu mang tính chất thỏa thuận với phụ huynh trên nguyên tắc tự nguyện.
Mặc dù được cảnh báo, nếu học sinh không nhập học, khoản chi phí này sẽ không được hoàn trả, nhiều gia đình vẫn nộp và cho biết nếu con trúng tuyển vào trường tốt hơn thì sẵn sàng chấp nhận “mất cọc”.
“Mục tiêu cao nhất của con vẫn là trúng tuyển trường THPT công lập. Nhiều phụ huynh đi trước cảnh báo tôi, không ít người vì không đặt cọc, nên đến khi trượt hết các nguyện vọng công lập, tá hoả xin đóng tiền thì trường từ chối do đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Bởi vậy, tôi chấp nhận cọc tiền trường tư để mua sự yên tâm. Đây cũng là phương án dự phòng chắc chắn cho con”- chị Nguyễn Thu Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Còn theo quan điểm của anh Phạm Minh Thành (Thanh Xuân, Hà Nội), việc gây khó khăn khi cha mẹ hồ rút hồ sơ bằng cách thu phí cọc, phí giữ chỗ không phải là cách tốt, thậm chí làm tổn hại đến uy tín của trường.
Tuy nhiên, việc lựa chọn học ở đâu và quyết định có đóng tiền đặt cọc hay không là quyền của phụ huynh, học sinh.
"Để tránh việc mất tiền oan, phụ huynh nên cân nhắc kĩ lưỡng, đặt mục tiêu dựa trên học lực của con, điều kiện kinh tế của gia đình để chọn cho mình phương án an toàn và phù hợp nhất" - anh Thành chia sẻ.
Năm nay, toàn thành phố Hà Nội có hơn 129.000 học sinh tốt nghiệp bậc THCS. Trong đó, khoảng 72.000 em được tuyển vào THPT công lập (chiếm 55,7%, tăng 1.000 em so với năm ngoái), 30.000 em vào các trường công lập tự chủ hoặc tư thục (chiếm 23,2%).
Theo hướng dẫn của Sở GDĐT Hà Nội, các trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố áp dụng 2 phương thức xét tuyển là sử dụng kết quả Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập và xét tuyển dựa vào kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS.
Sở GDĐT Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh lớp 10 của từng trường THPT tư thục để thí sinh lựa chọn, điền phiếu đăng ký dự tuyển.
Học sinh sẽ nộp đơn đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 tại các trường THPT tư thục từ ngày 20.4 - 20.6.