Báo Lao Động đã có bài viết phản ánh về tình trạng nhiều tuyến phố đá lát vỉa hè có độ bền 70 năm, nhưng mới đưa vào sử dụng 2 năm đã nứt vỡ, hư hỏng. Đi tìm nguyên nhân, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội để làm rõ về vấn đề này.
Thời gian qua, vỉa hè một số tuyến phố nội thành Hà Nội đã được lát bằng đá tự nhiên. Ông có nhận xét thế nào về chủ trương này của Thành phố?
- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Việc thay đổi, cải tạo vỉa hè bằng hình thức lát đá thể hiện quyết tâm mới của Thành phố Hà Nội về thực hiện mục tiêu xanh - sạch - đẹp. Vỉa hè của Hà Nội đã nhiều lần được thay đổi bề mặt bằng những loại gạch bình thường, gạch nung tự nhiên, gạch lung lăng. Lần này, mục tiêu của Thành phố là muốn triển khai để vỉa hè, gạch đá bền vững lâu dài, làm đẹp đồng bộ cho địa phương. Đây là một chủ trương đúng đắn, được nhiều người dân ủng hộ.
Làm đẹp cho đường phố Hà Nội là điều nên làm và cần làm. Tuy nhiên để thành công thì cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách. Bên cạnh đó, chúng ta cần xác định rõ mục tiêu từng mục đích sử dụng như việc phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ khác nhau. Qua thời gian thực hiện, trên các tuyến phố đã bộc lộ rõ tình trạng không phù hợp với yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc nứt vỡ, mỹ quan của vỉa hè chưa được như mong muốn.
Sau khi đưa vào sử dụng không lâu, đá lát vỉa hè nhiều tuyến phố đã nhanh chóng bị bong tróc, nứt, vỡ. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trước hết, muốn để vật liệu đá lát bền thì cần có một lớp lót nền đảm bảo bền vững. Lớp lót nền hiện nay đang được thực hiện bằng bêtông. Dưới lớp bêtông thì vỉa hè lại có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhau như đường ống cấp thoát nước, đường thông tin liên lạc. Như vậy, việc làm thế nào để đảm bảo đồng bộ bền vững tất cả các hạ tầng kỹ thuật là điều rất quan trọng.
Hà Nội là thành phố có rất nhiều cây xanh, đa dạng về chủng loại. Có nhiều cây cổ thụ dễ chùm có tuổi thọ đến cả trăm năm và nhiều loại cây mới trồng. Như vậy, về nguyên tắc, không thể có một giải pháp bêtông lót nền nào điển hình cho các loại hè phố. Mỗi nơi cần có một loại bêtông thích ứng với từng điều kiện cụ thể thì mới giữ được độ bền khi lát đá.
Vỉa hè của Hà Nội cũng rất đa dạng, có những nơi chỉ là nhà ở, có chỗ lại là trụ sở các cơ quan - đơn vị nên phương tiện giao thông đi qua vỉa hè cũng khác nhau rất nhiều. Với những nơi là nhà ở thì tương đối đơn giản, ít xe đi lại. Còn ở các đơn vị như trường học, trung tâm thương mại thì ngược lại, có rất nhiều xe ra vào. Do đó, nếu việc xử lý liên kết mặt đá với lớp bêtông ở dưới không căn cứ vào thực trạng, chức năng của vỉa hè mà chỉ xử lý đồng bộ thì sẽ làm hư hỏng lớp mặt đá.
Kết cấu đá có mục tiêu bền vững nhưng việc nghiệm thu chất lượng đá lát nền hiện nay chưa được giám sát chặt chẽ. Có những viên đá tốt, ổn định nhưng cũng có rất nhiều viên đá có chất lượng kém. Vấn đề này thuộc trách nhiệm của các cơ quan thi công. Bên cạnh đó, thực trạng hiện nay cũng cho thấy thiếu sự giám sát của cộng đồng đối với các cơ quan thi công. Phần lớn lực lượng để thi công mang danh công ty nhận thầu nhưng lại nhiều lao động phổ thông, chưa có kỹ năng nghề nghiệp nhất định, thiếu kinh nghiệm.
Theo ông, để vỉa hè vừa sử dụng 1-2 năm đã hỏng thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai, đơn vị nào?
- Để tình trạng này xảy ra thì trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Các đơn vị này khi nghiệm thu nhưng lại chưa kiên quyết xử lý các vi phạm dẫn đến tình trạng sụt lún, vỡ nát khi mới sử dụng. Mặc dù mục tiêu bền vững từ 50-70 năm nhưng khi chỉ sử dụng 1-2 năm đã hư hỏng sẽ khiến gây mất mỹ quan đô thị, lãng phí tài sản và gây bức xúc cho nhân dân.
Các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý cần xem xét lại vấn đề này, cụ thể là các quận, huyện và cả cấp phường. Nếu không giám sát thường xuyên, kiểm tra các nguồn vật liệu, quá trình thi công, sẽ dẫn đến tình trạng như hiện nay. Sở Xây dựng là một trong những đơn vị có liên quan chính, và có trách nhiệm chung phải giải quyết vấn đề này.
Trước thực trạng hiện nay, theo ông đâu là giải pháp để đá lát vỉa hè có tuổi thọ 70 năm như được thành phố thông tin?
- Về quy trình thi công, phải đáp ứng yêu cầu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật xung quanh. Toàn bộ mặt nền hè đường phải được đầm chặt bảo đảm theo yêu cầu thiết kế, bảo đảm độ dốc thiết kế từ ranh giới lát hè đến hàng bó vỉa và phải tổ chức nghiệm thu trước khi đổ bêtông. Các lớp bêtông phải bảo đảm về cường độ và chiều dày đối với từng loại kết cấu hè theo quy định; bảo đảm độ dốc, cao độ vỉa hè theo thiết kế và phải nghiệm thu trước khi chuyển bước thi công lát đá.
Ba là các viên đá lát phải được kiểm tra bảo đảm yêu cầu trước khi lát. Đối với các vị trí lát đá sát các gốc cây, tủ điện, cột điện, hố ga, các góc cong... phải được thi công bảo đảm yêu cầu mỹ thuật. Với các gốc cây có kích thước lớn, rễ cây nhô lên cao cần được thiết kế cụ thể bó gốc cây bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cây xanh và cho vỉa hè.
Xin cảm ơn ông!