Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xây dựng 1 đường lánh nạn, 14 hốc cứu nạn, trên 4.000 mét tường lốp caosu làm hộ lan mềm và bổ sung hơn 600 bộ tiêu, biển báo, chỉ dẫn phản quang để hướng dẫn lái xe an toàn.
Anh Nguyễn Văn Lành, tài xế xe khách tuyến Đà Nẵng - Kon Tum cho biết: “Đường đèo Lò Xo với những khúc cua ngoặt, khuất tầm nhìn luôn là nỗi ám ảnh thường trực đối với cánh tài xế chạy đường dài. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên cung đường này, việc lắp đặt hệ thống cảnh báo sẽ giúp tài xế yên tâm hơn khi di chuyển”.
Đèo Lò Xo thuộc địa phận huyện Đăk Glei có chiều dài khoảng 27km, độ dốc dài, quanh co liên tục, phải mất ít nhất hơn 3 tiếng đồng hồ mới di chuyển hết đường đèo. Theo cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum, đường Hồ Chí Minh qua huyện Đăk Glei có lưu lượng giao thông lớn, dân cư đông đúc trong khi mặt đường hẹp, cao độ rãnh dọc hai bên đường bằng cao độ mặt đường nền nên tiềm ẩn nguy cơ cao tai nạn. Nhiều nhà xe muốn di chuyển đường đèo này để về các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng… với thời gian ngắn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hầu hết các nhà xe nhận vận chuyển khách hiện nay đều chọn đi theo Quốc lộ 19 hướng về tỉnh Bình Định, đổ ra Quốc lộ 1A để lưu thông theo hướng Bắc - Nam.
Được biết, ngoài hệ thống cảnh báo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam còn lắp đặt thêm hệ thống camera giám sát tốc độ trên tuyến đường đèo Lò Xo, bàn giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông theo dõi và xử lý các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Với việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, cơ quan chức năng hy vọng tai nạn trên đường đèo sẽ giảm thiểu. Việc lưu thông hàng hóa, hành khách nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sẽ được tăng cường.