Toàn tỉnh chỉ 3 cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang có hoạt động thông quan hàng hóa. Dù phía Trung Quốc đã cơ bản dỡ bỏ các hàng rào phòng dịch gần 2 tháng qua nhưng các hoạt động giao thương vẫn ảm đạm.
Tại cửa khẩu Tà Lùng, trung bình mỗi ngày chỉ có khoảng 10 xe hàng hoá được thông quan, cửa khẩu chìm trong tình trạng vắng vẻ, mòn mỏi chờ đợi hàng hoá. Việc xuất nhập cảnh vẫn chưa được triển khai do vướng một số quy định phía Trung Quốc.
Ghi nhận tại khu vực cửa khẩu Tà Lùng - nơi hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá được cho là nhộn nhịp nhất cũng chỉ lác đác 1, 2 xe hàng đang chờ thông quan.
Trao đổi với PV, anh Thái Tâm (35 tuổi, tài xế người Tiền Giang) cho biết: "Xe của tôi chở thuỷ sản chạy từ trong kia ra, các thủ tục thông quan bây giờ về cơ bản cũng không thay đổi so với trước.
Cũng may hiện tại, tài xế Việt Nam được chạy thẳng qua bên nước bạn chứ không cần tài xế trung chuyển nữa nên rút ngắn được khá nhiều thời gian".
Theo kết quả thực hiện tháng 2 của Ban quản lý (BQL) cửa khẩu Tà Lùng, đến ngày 15.2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trong tháng đạt trên 13 triệu USD, lũy kế năm 2023 đạt trên 22 triệu USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của tại Tà Lùng là hàng thuỷ sản, rau củ, hạt điều và cà phê... ở chiều ngược lại, mặt hàng than các loại, máy móc, thiết bị, phụ tùng, các loại ôtô... được nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông N.V.T (50 tuổi, chủ quán nước tại khu vực cửa khẩu) chia sẻ: "Đã mở lại biên nhưng tình hình xem ra vẫn còn kém. Trước dịch, mỗi ngày cả trăm xe thông quan, tài xế ghé quán tôi cũng nhiều còn bây giờ được bao nhiêu quý bấy nhiêu thôi".
Thông tin từ Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng, trong khoảng thời gian từ ngày 15.1 đến ngày 15.2, số tiền thuế thu đạt 52,02 tỉ đồng, giảm 27% so với tháng trước. Trong tháng, chỉ 51 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu, con số giảm 34% so với cùng kỳ năm 2022.
Lý giải về hoạt động tại các khu vực cửa khẩu chưa thể đạt như kỳ vọng, ông Nguyễn Kiên Cường - Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng - cho biết: "Việc xuất nhập khẩu của Việt Nam phần lớn phục thuộc vào các động thái điều chỉnh chính sách của phía Trung Quốc nên hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương buôn bán vì thế cũng dao động theo".
Theo người đứng đầu BQL Khu kinh tế tỉnh Cao Bằng, thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp để có thể kích thích hoạt động giao lưu buôn bán khú vực cửa khẩu.
Ngày 22.2, tại tỉnh Hà Giang diễn ra Hội nghị lần thứ 14 Ủy ban Công tác liên hợp giữa 4 tỉnh: Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) theo hình thức trực tuyến với 5 điểm cầu tại Việt Nam và Trung Quốc.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng đề nghị tiếp tục duy trì giao lưu, tiếp xúc các cấp bằng các hình thức linh hoạt; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan, nhân dân các địa phương hai tỉnh/khu. Hai bên cần ủng hộ, đồng thuận đẩy nhanh công tác mở, nâng cấp cửa khẩu, kết nối giao thông; xây dựng hạ tầng cơ sở khu vực cửa khẩu để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.