Cụ thể, giá dầu Brent giảm 2,02 USD, tương đương 2,4%, xuống mức 80,51 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,87 USD, tương đương 2,4%, xuống mức 77,29 USD/thùng.
Reuters cho biết, số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng vào tuần trước. Điều này cho thấy thị trường lao động đang chậm lại sau một năm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu chậm lại.
Trong khi đó, trong báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ xăng tại nước này tăng mạnh 1,3 triệu thùng trong tuần dù dự trữ dầu thô thương mại giảm 4,6 triệu thùng.
Ngoài ra, việc nhiều thị trường châu Á tăng mua dầu thô từ Nga đã gây thêm áp lực lên các mặt hàng dầu tiêu chuẩn. Tính đến tháng 4, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu của Nga với giá cao hơn mức giá trần của phương Tây áp đặt là 60 USD/thùng.
Cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô là sự sụt giảm ở thị trường chứng khoán, vốn thường biến động song song với giá dầu.
Thêm vào đó, sự lao dốc của giá dầu còn chịu tác động bởi sự mạnh lên của đồng USD. Điều này khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ bằng các loại tiền tệ khác.
Trong nước, chiều nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ. Theo dự báo, giá xăng dầu sẽ giảm nhẹ trong khoảng 300-500 đồng/lít (kg). Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó 6 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 21.4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 23.173 đồng/lít; Xăng RON 95 không quá 24.245 đồng/lít; Dầu diesel không quá 20.149 đồng/lít; Dầu hỏa không quá 19.739 đồng/lít; Dầu mazut không quá 15.194 đồng/kg.