Việt Nam, Canada là hai quốc gia thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Là đối tác thương mại lớn nhất của Canada ở Đông Nam Á gần một thập kỷ, Việt Nam, trong năm 2022 xuất sang Canada hơn 9 tỉ USD. Năm 2023, kinh tế toàn cầu suy giảm, xuất khẩu từ Việt Nam chỉ đạt hơn 5,6 tỉ USD. Ở chiều ngược lại, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 tại Việt Nam. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD trong thời gian sớm nhất.
Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương: Vị trí địa lý, giá trị lịch sử - nhân văn; hạ tầng kỹ thuật; nguồn nhân lực dồi dào; môi trường đầu tư thông thoáng; đội ngũ lãnh đạo và bộ máy hành chính chuyên nghiệp, giàu quyết tâm, luôn kiên trì phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
“Theo quy hoạch, tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 6.700ha, 68 cụm công nghiệp - gần 3.500ha, trong đó, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP gần 1.400ha, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhất các điều kiện đầu tư.
Bằng tất cả nhiệt thành và tâm huyết, tôi trân trọng đề nghị Hội doanh nhân Việt Nam – Canada làm cầu nối đưa doanh nghiệp, nhà đầu tư Canada đến Bình Định để cùng gặt hái thành công”, ông Tuấn kêu gọi.
Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Vancouver Nguyễn Quang Trung chia sẻ: “Canada có tiêu chuẩn rất khắt khe về đầu tư, thương mại. Tuy nhiên, nếu biết phát huy lợi thế, doanh nghiệp Việt Nam có thể thành công ở đất nước có diện tích rộng thứ 3 thế giới này. Một số doanh nghiệp trong nước, thậm chí đã đầu tư vào lĩnh vực tiên phong, ưu tiên của Canada như Vinfast, FPT, Vinastone, chưa kể nhiều doanh nghiệp Canada gốc Việt có chỗ đứng ổn định như Dan-D-Pak, Supermarket 88, Henlong supermarket, Lucky Supermarket...”.
25 năm trước, ông Dan On, nay là Chủ tịch VCBA, được mời về Việt Nam tìm cơ hội phát triển. Chọn Becamex Bình Dương mở nhà máy chế biến hạt điều với công nghệ tối tân nhất lúc bấy giờ, Dan On nay đã là tên tuổi lớn của ngành nghề chế biến, xuất khẩu các loại hạt nói chung. Từ 6ha ban đầu, cụm nhà máy của ông mở rộng lên 12ha, vốn đầu tư 150 triệu USD, doanh thu 300 triệu USD/năm, trở thành hạt nhân chuỗi giá trị gia tăng của nhiều bạn hàng, đối tác.
Ông Dan On nhận xét: Tiềm năng hợp tác đầu tư, thương mại giữa các doanh nghiệp Bình Định và Canada rất lớn. “Từ bài học thành công ở hai đất nước, cá nhân tôi cũng như VCBA rất sẵn lòng bắc nhịp cầu chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn, xúc tiến đầu tư, trợ giúp thủ tục pháp lý cho đồng nghiệp từ hai phía”, ông Dan On cam kết.
Doanh nhân Canada gốc Việt Nguyễn Hoài Bắc hưởng ứng: “Sự tồn tại của cộng đồng doanh nhân Canada gốc Việt là một lợi thế cho những ai muốn làm ăn, buôn bán hai chiều”. Ông gợi ý nhóm lĩnh vực cần quan tâm, đặc biệt là giao nhận, vận chuyển, ký gửi, giới thiệu sản phẩm.
Giám đốc Sở Công Thương Bình Định Ngô Văn Tổng thông tin, từ khi CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu từ Bình Định sang Canada tăng 4 lần, từ 4,1 triệu USD năm 2018 lên trên 17,2 triệu USD năm 2023. Riêng 2022 đạt 23,9 triệu USD. Hàng hóa Bình Định xuất sang Canada chủ yếu là hải sản, gỗ tinh chế nội ngoại thất, sản phẩm may mặc, sản phẩm từ chất dẻo. “Kết quả còn khá khiêm tốn, thị phần chưa tương xứng tiềm năng”, ông Tổng nhìn nhận.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Định công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công, chính sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường…