Mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp, công nghệ cao
Phát biểu tại chương trình tọa đàm và kết nối đầu tư, khảo sát thực tế tại tỉnh Bắc Ninh trong khuôn khổ Diễn đàn cao cấp thường niên Công nghiệp 4.0 diễn ra chiều 13.6, ông Ngô Tân Phượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - cho biết, sau hơn 26 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực. Đến nay, Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Tỉnh thu hút FDI đứng thứ 7 cả nước và có đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất thông minh, công nghệ điện tử, công nghệ cao với nhiều dự án lớn do các nhà đầu tư quốc tế, tham gia.
Hiện Bắc Ninh đã thu hút 1.908 dự án, đạt 24,17 tỉ USD đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, với nhiều nhà đầu tư thương hiệu quốc tế như: Samsung, Amkor, Canon, Foxconn...
Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: Đến năm 2030 phấn đấu xây dựng Bắc Ninh là thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao; một trong những trung tâm thương mại - dịch vụ, giáo dục, đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu của thành phố trực thuộc Trung ương; là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Thủ đô và của cả nước. Đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
Làm sao để hiện thực hoá mục tiêu?
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, muốn hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh các chính sách ưu đãi chung theo quy định của Nhà nước về thuế, tiền thuê và sử dụng đất, tỉnh Bắc Ninh cũng cũng ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư đặc thù như: Thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý và xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn; hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao và sử dụng lao động; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính nhanh gọn, thuận lợi…
“Trong bối cảnh quỹ đất không còn nhiều, theo tôi được biết, hiện tỉnh Bắc Ninh đã thu hút đầu tư có chọn lọc với tiêu chí ưu tiên những ngành công nghiệp có vai trò dẫn dắt nền kinh tế như bán dẫn, công nghệ thông tin, chế biến chế tạo..." - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh - cho rằng, với nền tảng là thủ phủ sản xuất công nghiệp điện tử, tỉnh Bắc Ninh có thế mạnh về sản xuất và đóng gói.
Ông Thi thông tin thêm, hiện cả nước có khoảng 50 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và khoảng 5.000 kỹ sư đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, tập trung ở 3 thành phố lớn là: TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và TP. Đà Nẵng, trong đó TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 80% cả về số lượng doanh nghiệp và lao động.
"Chúng ta có quy hoạch không gian phát triển hợp lý, gắn kết giữa TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh thì sẽ từng bước khép kín chuỗi giá trị" - ông Thi nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho hay, để hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong tương lai, thời gian tới, địa phương sẽ quan tâm đầu tư nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp. Kịp thời điều chỉnh bổ sung quy hoạch các KCN; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình dự án trọng điểm, có tính chất liên kết phát triển vùng, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư lớn có thương hiệu toàn cầu. Đồng thời, lựa chọn những nhà đầu tư hạ tầng KCN có kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp cao; chuẩn bị đủ quỹ đất sạch để đón nhận dòng vốn đầu tư mới theo hướng sản xuất thông minh, xanh sạch…