Thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc và đã xuyên thủng mốc 1.200 điểm vào ngày đáo hạn phái sinh hôm qua 17.4. Nhiều nhà đầu tư lo ngại VN-Index có thể tiếp tục giảm mạnh trong tháng 4. Điều không mong đợi là thị trường có pha giảm 30 - 40% (đi vào downtrend) thì sẽ kéo cổ phiếu giảm rất mạnh, có những cổ phiếu giảm đến 70 - 80% như năm 2022. Hay thị trường giai đoạn cuối tháng 9 năm ngoái điều chỉnh giảm 18% từ đỉnh, dù trong uptrend nhưng vẫn có những cổ phiếu giảm tới 40%.
Ông Phạm Thanh Doanh - Admin Chứng Khoán Pro đưa ra quan điểm cho rằng, trong những đợt điều chỉnh của thị trường năm nay sẽ có sự phân hóa mạnh. Những năm trước, khi thị trường điều chỉnh, hầu như 80% cổ phiếu sẽ điều chỉnh theo. Tuy nhiên năm nay có khác hơn, sự phân hóa khá rõ nét trong tuần rồi.
Trước mắt, theo quan điểm cá nhân, vùng 1221 sẽ là vùng định giá khá hợp lý trong giai đoạn này. Trong trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là VN-Index điều chỉnh về vùng 1180, đế lấp GAP tăng ngày 19.02.2024. Đây là vùng định giá của tháng 2.2024.
Với những nhà đầu tư khá về kỹ thuật trong giai đoạn này vẫn có thể bình tĩnh trading, tuy nhiên hạn chế theo khuyến nghị của các room/nhóm, vì hiện tại khá khó phân tích. Có thể hạ margin hoặc tối ưu lợi nhuận bằng cách chốt bớt một phần lợi nhuận và quan sát những thông tin từ phía thị trường, ông Phạm Thanh Doanh nhận định.
Ở một góc nhìn lạc quan hơn, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital cho rằng, hiện tại không phải giai đoạn định giá thị trường nở rộng như vừa qua, mà thị trường sẽ đi song hành cùng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp, mức tăng trưởng mà cuối năm sẽ chỉ khoảng lên 1.300 - 1.350 điểm. Nhưng trong năm, có khả năng VN-Index sẽ vượt qua ngưỡng này lên 1.400 thậm chí 1.500 điểm, sau đấy sẽ quay về ngưỡng 1.300 - 1.350 điểm.
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố hỗ trợ cho thị trường năm nay vẫn đến từ chính sách tiền tệ.
Với thị trường chứng khoán, chính sách tiền tệ là chính sách quan trọng nhất. Hiện tại, chính sách tiền tệ của Việt Nam là nới lỏng, chính sách tài khoá cũng rất hỗ trợ cho nền kinh tế và cho thị trường chứng khoán hiện tại.
Bên cạnh lãi suất, yếu tố quan trọng nhất là các doanh nghiệp đa phần đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Về dài hạn, thị trường vẫn trong chu kỳ lãi suất thấp và nới lỏng, nhưng trong ngắn hạn, vẫn thận trọng đưa ra hai rủi ro.
Thứ nhất, nếu Việt Nam tiếp tục giữ lãi suất thấp, Fed vì một lý do nào đó (lạm phát tăng cao) có thể duy trì lãi suất cao thêm một thời gian, thì chênh lệch lãi suất sẽ dẫn đến căng thẳng về tỉ giá và lạm phát. Thứ hai, khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đi theo, lãi suất Việt Nam qua đáy và tăng trở lại.