Theo những người đã làm nghề trồng chè nhiều năm, giống chè Thái Nguyên có nguồn gốc từ đất Phú Thọ được đem giống hạt về mảnh đất này đã rất lâu. Tuy vậy, thổ nhưỡng và khí hậu tốt đã mang lại hương, vị chè Thái Nguyên rất riêng biệt.
Để tìm được giống chè đã có tuổi đời trăm nay thì phải tìm đến xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) - nơi được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà". Ở đây, có giống chè vẫn được người dân bằng mọi giá gìn giữ bởi nó chính là thương hiệu của mảnh đất này.
Ông Lê Quang Nghìn (xã Tân Cương) cho biết, hơn 2ha chè Trung Du cổ của nhà ông đã có tuổi thọ 60-70 năm. Chè cổ ở đây còn rất ít bởi năng suất thấp hơn rất nhiều so với những giống chè lai khác hiện được trồng ở địa phương.
“Nhà tôi làm chè đến nay đã là đời thứ 5. Chè cổ do cha ông để lại, quý lắm nên phải giữ lấy bằng được. Tôi cảm nhận giống chè cổ này sẽ phát triển bền vững bởi hương vị đặc trưng của nó. Tôi không chạy theo lợi nhuận mà đuổi theo hướng bền vững" - ông Nghìn tâm sự.
Trên tay chén trà của những cây chè trung du cổ, ánh mắt ông Nghìn như sáng lên khi miêu tả chi tiết về hương vị riêng biệt của thứ thức uống này. "Chè cổ khi pha sẽ có sắc xanh vàng óng, hương cốm, vị chát dịu nhẹ và vị ngọt khiến cho ai uống cũng phải khen ngợi" - ông Nghìn bày tỏ.
Gần đó, Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt (xã Tân Cương) với sản lượng đưa ra thị trường cả trăm tấn mỗi năm. Bên cạnh những giống chè mới có năng suất cao thì HTX này vẫn giữ được những cây chè cổ như một điểm nhấn cho đất chè đã có thương hiệu này.
Bà Đào Thanh Hảo - Giám đốc HTX chè Hảo Đạt - cho biết: Chè trung du cổ có vị truyền thống đó là hương thơm, vị đậm sâu, giới trẻ hiện nay thì nhiều người không biết đến chè này. Chỉ những người trung tuổi, gắn bó với mảnh đất này mới cảm nhận được.
"Nhờ vị đặc trưng, riêng biệt mà chè cổ cũng có giá khác với các loại chè thường. Tuỳ từng loại như chè móc câu, tôm nõn, chè đình mà có giá từ 300 nghìn đến vài triệu đồng cho mỗi kg. Thường phải đặt trước, bởi sản phẩm này không có nhiều" - bà Hảo cho hay.
Người dân đất Tân Cương vẫn bảo nhau phải bảo tồn và phát triển được giống chè cổ. Tuy sản lượng không cao nhưng có thể bù lại được ở giá thành, từ đó tìm hướng đi bền vững.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Cương - cho hay, diện tích trồng chè toàn xã có 350ha, trong đó hơn 40ha là chè trung du cổ. Tuy nhiên, thứ làm nên thương hiệu chè Tân Cương là loại chè cổ.
“Chúng tôi vẫn thường xuyên có những chương trình tập huấn, giao lưu kinh nghiệm đối với những người trồng chè Tân Cương. Đồng thời đưa ra định hướng cho bà con để có thể phát triển một cách toàn diện và bền vững, đặc biệt là với giống chè cổ” - Phó Chủ tịch xã Tân Cương chia sẻ thêm.