Một phiên lùi với biên độ giảm không quá lớn (-6,31 điểm tương ứng mức giảm 0,49%) và việc chỉ số trồi sụt khi đối mặt với ngưỡng cản mạnh cũng là điều từng xảy ra không ít đối với VN-Index.
Nếu xét về 1 phiên giảm sau 3 phiên tăng khá mạnh liên tiếp cùng với sức ép từ ngưỡng cản 1.285 điểm và liền sát trên đó là 1.300 điểm, chưa có cảnh báo nào đáng lo ngại.
Tuy nhiên, vấn đề đáng lo lại đến từ góc độ khác, đó chính là thanh khoản thị trường.
Quan sát từ đầu tháng 8 tới kết thúc phiên giao dịch ngày 26.8, sàn HSX đã diễn ra 4 tuần giao dịch. Tuần đầu tiên từ ngày 1-5.8, thanh khoản bình quân phiên đạt hơn 16.643 tỉ đồng. Tiếp đến tuần giao dịch từ 8-12.8, thanh khoản bình quân phiên giảm xuống còn gần 15.600 tỉ đồng.
Tuần giao dịch từ ngày 15-19.8, thanh khoản bình quân phiên đạt 15.680 tỉ đồng. Tuần giao dịch vừa qua từ ngày 22-26.8, thanh khoản bình quân phiên giảm tiếp xuống mức xấp xỉ 15.130 tỉ đồng.
Nhìn chung, thanh khoản giảm dần trong 4 tuần giao dịch vừa qua là tín hiệu không mấy tích cực, nếu không muốn nói là đáng ngại trong bối cảnh phiên cuối tuần ngày 26.8 có lúc VN-Index đã vượt qua mức 1.295 điểm (tăng gần 7 điểm). Nhưng cuối cùng, chỉ số lại “thất thủ” trước ngưỡng này để rồi cuối phiên rơi xuống dưới cả ngưỡng 1.285 điểm, kéo theo làn sóng bán chốt lời gia tăng.
VN-Index đã trải qua 4 tuần trong tháng 8 và đều tăng điểm, nhưng ngược lại thì thanh khoản lại giảm dần theo tuần, không những chưa cho thấy hỗ trợ tích cực đà tăng mà ngược lại, nếu thanh khoản cứ tiếp tục giảm dần rất có thể sẽ khiến thị trường đảo chiều chuyển sang xu hướng giảm ngắn hạn trở lại.
Trong bối cảnh như vậy, Công ty chứng khoán Đông Á (DAS) cho rằng nhà đầu tư có thể mở giao dịch ngắn hạn trên các nhóm cổ phiếu nhạy với trạng thái thị trường như bất động sản, chứng khoán, thép, dầu khí...
Trong khi đó với những nhà đầu tư kinh nghiệm, một khi về ngắn hạn chưa rõ khả năng VN-Index có thể sớm cán tới mốc 1.300 điểm thì không nên kỳ vọng mức lợi nhuận quá cao.
Thay vào đó, hành động cần là cơ cấu danh mục theo hướng đề phòng rủi ro; tập trung vào các nhóm, mã cổ phiếu đang thu hút dòng tiền; có cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý II vừa qua khả quan và triển vọng quý III sáng sủa. Đặc biệt là, giao dịch vào – ra trên danh mục sẵn có để phản ứng kịp thời và hạn chế rủi ro.
Cũng theo DAS, từ phiên giao dịch ngày đầu tuần tới (29.8) chính thức áp dụng giao dịch T+2 mà thực chất là T+1,5 thì vòng quay nhanh hơn, sự biến động tăng giảm có thể sẽ hối hả hơn khi việc hiện thực hóa lợi nhuận diễn ra sớm hơn, thuận lợi hơn cho nhà đầu tư ngắn hạn.
Chính vì thế, việc bắt nhịp trúng các nhóm hay mã cổ phiếu đang vào dòng tiền mạnh hoặc danh mục đang nắm giữ được dòng tiền luân phiên lan tỏa đến sẽ tạo ra lợi thế và cơ hội cao về lợi nhuận.