VN-Index kết tuần ở mức 1.282,57 điểm, tăng 13,39 điểm so với tuần trước, tương ứng mức tăng 1,05%.
Đây là mức tăng không quá lớn nhưng rất đáng khích lệ khi chỉ số VN-Index đã có phiên giao dịch ngày 25.8 vượt ngưỡng cản 1.285 điểm. Sau phiên vượt này, có dự báo rằng khả năng phiên cuối tuần 26.8 VN-Index sẽ quay lại kiểm tra (test) ngưỡng cản. Điều này cũng là bình thường và hay xảy ra trên thị trường chứng khoán.
Trên thực tế, tại nhiều thời điểm và có nhiều vùng cản, chỉ số VN-Index từng phải test đi test lại năm lần bảy lượt mới vượt qua được hẳn. Đó là chưa kể, vượt được hẳn ngưỡng 1.285 điểm VN-Index lại ngay lập tức đối mặt với vùng quanh 1.300 điểm. Thách thức nối tiếp thách thức một cách quá dày, nếu không có sự tăng điểm mạnh mẽ và bứt phá thì khó vượt vùng cản hoàn toàn chỉ trong một lần.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), sau phiên điều chỉnh cuối tuần, xét về xu hướng, VN-Index vẫn duy trì được mạch hồi phục với 7 tuần tăng điểm liên tiếp, cho thấy tín hiệu vẫn đang rất tích cực.
Tuy nhiên CSI cũng lưu ý rằng, điểm số ngày càng tăng cao nhưng khối lượng giao dịch tuần lại có xu hướng đi thụt lùi trong 4 tuần liên tiếp. Dù rằng VN-Index đã chinh phục được ngưỡng kháng cự 1.285 điểm nhưng lại tuột mất tại phiên cuối tuần. Hơn nữa trong tuần, VN-Index đã test mốc 1.295 điểm mà chưa vượt qua được. Vì vậy không loại trừ khả năng, VN-Index sẽ có nhịp điều chỉnh sau thời gian hồi phục gần 2 tháng.
Song vẫn còn quá sớm để khẳng định như trên. Theo nhận định của Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), VN-Index đang có xu hướng dao động quanh ngưỡng 1.280 điểm và đang thành lập các phiên tích lũy nhằm tiến tới kiểm tra ngưỡng 1.300 điểm vào tuần sau.
Phiên điều chỉnh cuối tuần cũng cho thấy, đa phần các nhóm ngành bị điều chỉnh đều có mức tăng giá khá trong những phiên vừa qua và đang bị chốt lời, ngoại trừ những mã cổ phiếu có câu chuyện riêng. Lực chốt lời này gia tăng khi chỉ số vượt qua mức 1.290 điểm nhưng không bứt phá tiếp được, khiến tâm lý chốt lời càng mạnh lên.
Tuy nhiên, phiên điều chỉnh giảm cuối tuần không làm thay đổi xu hướng thị trường, mà chỉ phản ánh rõ nét hơn tâm lý thận trọng, dè dặt của nhà đầu tư trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa đủ hỗ trợ mạnh mẽ cho đà tăng.
Trên thực tế theo thống kê từ Top 10 công ty chứng khoán trên thị trường, số dư tiền trong tài khoản nhà đầu tư đang khá lớn, trên 50.000 tỉ đồng vẫn chưa tham gia trở lại thị trường và đang chờ cơ hội.
Chính vì thế, nỗi lo lớn nhất lúc này không hẳn là thị trường điều chỉnh nhẹ 1-2 phiên mà chính là tình trạng dòng tiền “ì ạch” không có gì bứt phá, khi gặp những điểm chạm bất lợi, có thể kích hoạt làn sóng giảm điểm mạnh.