Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2012/NĐ-CP, vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 Kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.
Cũng theo Điều 8 Nghị định 24/2012/NĐ-CP điều kiện hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ được quy định cụ thể như sau:
1. Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.
Đồng thời, tại Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm:
1. Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
3. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp.
4. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
5. Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định này.
6. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
7. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, có thể thấy việc kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ online không thuộc hành vi vi phạm quy định kinh doanh vàng. Nếu như nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện về giấy phép, cơ sở vật chất,... theo quy định thì hoàn toàn có thể mở rộng phạm vi buôn bán trên nền tảng online.