Lỗ gần 2.600 tỉ đồng với cổ phiếu SJS
Mở cửa phiên thị trường sáng 8.5, cổ phiếu SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) hiện đang giao dịch ở ngưỡng 40.000 đồng/cổ phiếu, giảm 2,32% so với phiên giao dịch liền kề.
Trước đó, vào cuối tháng 4.2022, Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ đầu tư An Phát (Đầu tư An Phát) đã chi ra khoảng 4.258 tỉ đồng để nhận chuyển nhượng 41,7 triệu cổ phiếu SJS, tương đương 36,65% vốn điều lệ của Sudico.
Số cổ phiếu SJS mà Đầu tư An Phát mua vào tương đương với lô cổ phần Sudico mà Tổng Công ty Sông Đà (SJG) đem bán đấu giá hôm 5.4.2022.
Kết quả đấu giá cho thấy, có một nhà đầu tư tổ chức đã trúng đấu giá cả lô 41,7 triệu cổ phiếu SJS với mức giá bình quân là 102.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tại, cổ phiếu SJS trên thị trường đã giảm tới 61% so với giá tại thời điểm Đầu tư An Phát mua vào, tương ứng công ty đang lỗ khoảng 2.588 tỉ đồng so với giá đầu tư gốc.
Đáng chú ý rằng, số tiền Đầu tư An Phát chi ra vào thời điểm tháng 4.2022 cao gấp 2,3 lần tổng tài sản công ty này có tính tại ngày 31.12.2021 là 1.840 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, dữ liệu tài chính riêng lẻ của Đầu tư An Phát cho thấy, số tiền đầu tư vào công ty liên danh liên kết tăng từ 100 tỉ đồng (năm 2021) lên 4.321 tỉ đồng (năm 2022).
Do vậy, không quá bất ngờ khi kết thúc năm 2022, tổng tài sản của Đầu Tư An Phát tăng 146% sau 12 tháng, lên 4.517 tỉ đồng.
Trong đó, tài sản ngắn hạn có 196 tỉ đồng, tài sản dài hạn có 4.321 tỉ đồng, toàn bộ là đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư vào công ty liên danh liên kết). Như vậy, chiếm 96% tổng tài sản của Đầu tư An Phát là khoản tiền đầu tư công ty liên danh, liên kết.
Nợ tăng 6.873%, lỗ 71 tỉ đồng do chi phí tài chính phình to
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của Đầu tư An Phát tính đến cuối năm 2022 còn 2.789 tỉ đồng, tăng 6.873% so với hồi đầu năm. Bao gồm 427 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 2.362 tỉ đồng nợ dài hạn.
Bên cạnh câu chuyện nợ tăng mạnh, nợ ngắn hạn (427 tỉ đồng) cũng vượt tài sản ngắn hạn (196 tỉ đồng) đồng nghĩa với hệ số khả năng thanh toán hiện thời (tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn) tại Đầu tư An Phát là 0,45, cũng là vấn đề đáng lưu tâm của công ty.
Theo lý thuyết, hệ số khả năng thanh toán hiện thời nhỏ hơn 1 thể hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng gần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản.
Kết thúc năm 2022, Đầu tư An Phát chưa ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, doanh thu hoạt động tài chính gần 5 tỉ đồng. Thế nhưng chi phí tài chính gần 75 tỉ đồng là nguyên nhân chính khiến Đầu tư An Phát báo lỗ sau thuế 71 tỉ đồng.
Với các chỉ số tài chính như trên, việc Đầu tư An Phát chi hàng nghìn tỉ đồng để sở hữu 36,65% cổ phần Sudico trở thành một thương vụ đáng chú ý.
Tại ngày 28.6.2022, ông Phạm Thành Huy (SN 1977) được cập nhật là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật Đầu tư An Phát. Đồng thời, ông Huy cũng đang đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty Cổ phần Mặt trời Sông Hồng - Chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Sông Hồng (Mê Linh, Hà Nội).
Giai đoạn 2019 – 2020, Mặt trời Sông Hồng nhiều lần đem các tài sản liên quan đến dự án Khu đô thị mới Sông Hồng thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank). Trong khi đó, ông Phạm Thành Huy cũng đem lượng lớn cổ phần của Mặt trời Sông Hồng thế chấp tại nhà băng này.