Xử lý hàng loạt cơ sở vi phạm
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 15.4 đến 15.5, các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã thực hiện kiểm tra 39 cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm, xử phạt 21 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 130 triệu đồng.
Các vi phạm bị xử lý tập trung vào các nhóm hành vi như kinh doanh hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn; bảo quản sản phẩm thực phẩm không phù hợp với điều kiện bảo quản ghi trên nhãn của sản phẩm; bán hàng hóa phải có dấu hợp quy nhưng không có dấu hợp quy; không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá hàng hóa theo quy định…
Còn nhớ cách đây hơn 1 tháng, tại Km14 Quốc lộ 14 đoạn qua xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 1 (thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk) đã phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện khám ôtô tải biển kiểm soát 66C-028.27 do tài xế Đ.D.P (SN 1995, tỉnh Quảng Nam) điều khiển.
Trong quá trình khám, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe đang vận chuyển nhiều loại hàng hóa, trong đó có gần 1 tấn thực phẩm là thịt, sản phẩm động vật các loại (thịt heo, xương đầu heo, chân giò, thịt bò đông lạnh, thịt đà điểu...).
Ngoài ra, còn có các loại chả thịt, chả chay... không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhiều loại mỹ phẩm nhập lậu (son môi, phấn, kem dưỡng da...). Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của số thực phẩm, mỹ phẩm nói trên.
Sẽ siết chặt kiểm tra hơn nữa
Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk - nhấn mạnh: "Trong đợt cao điểm 1 tháng qua, các Đội Quản lý thị trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong sử dụng nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tác hại của việc sử dụng thực phẩm giả, kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Trong thời gian tới, đơn vị cũng như những cơ quan chức năng liên quan đã có kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm đối với sản phẩm thực phẩm được bán ra thị trường nhất là đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm online. Nếu cơ sở kinh doanh nào vi phạm mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị xử lý rất nặng để răn đe, đảm bảo an toàn sức khỏe của người tiêu dùng".
Ông Toàn nói thêm: "Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà lực lượng chức năng đang gặp phải đó là hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động rất tinh vi, có nhiều chiêu trò trốn tránh, che dấu khi sắp bị các đơn vị Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý.
Vì vậy, để đảm bảo tính bất ngờ, chủ động, Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk rất cần sự phối hợp chủ động của người dân trên địa bàn trong việc tố giác, cung cấp thông tin về các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm để chúng tôi có các biện pháp xử lý phù hợp".