Từ nhà vườn đến cơ sở sản xuất
Sau 8 năm chật vật với vườn sầu riêng có diện tích 1.000m2, nay ông Nguyễn Văn Truyền (nhà vườn trồng sầu riêng ở TP.Cần Thơ) đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm. Ông cho biết, việc đảm bảo an toàn phải bắt nguồn từ khâu chăm bón đầu tiên. Thay vì sử dụng phân hóa học để chăm bón cây, các nhà nông cũng cần luân phiên sử dụng phân hữu cơ trong trồng trọt. Việc sử dụng phân hữu cơ vừa giảm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo an toàn cho cây, giúp cây trái cho chất lượng hơn.
“Cá nhân tôi nhận thấy, riêng với cây sầu riêng, khi chăm sóc cây bằng phân hữu cơ, cụ thể là cỏ và rơm, cây cho trái chất lượng hơn rất nhiều, múi sầu riêng cũng thơm và ngọt hơn. Do đó, những năm qua, tôi hạn chế việc phun thuốc, bón phân hóa học mà thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ để đắp lên những bầu cây. Mỗi năm, tôi đắp phân hữu cơ từ 3 - 4 lần để giúp cây phục hồi sức khỏe. Chất lượng trái sầu riêng được đảm bảo thì người tiêu dùng cũng thấy yên tâm hơn” - ông Truyền chia sẻ.
Nhờ nêu cao trách nhiệm an toàn thực phẩm từ ưu tiên giải pháp bón phân hữu cơ, nhiều năm qua, vườn sầu riêng nhà ông Truyền đều cho năng suất cao và được thương lái, người tiêu dùng tin chọn.
Không chỉ các nhà vườn đẩy mạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ sở sản xuất tại vùng ĐBSCL cũng luôn chú trọng khâu vệ sinh trong sản xuất. Tiêu biểu là hộ sản xuất gia đình anh Nguyễn Văn Đua (cơ sở sữa dê Ngọc Đào, tỉnh Hậu Giang). Anh Đua cũng là một trong những tấm gương trẻ, điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.
Nói về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, anh Đua cho biết từ khâu sản xuất đến khi phục vụ người tiêu dùng đều đảm bảo khắt khe, nghiêm ngặt. Trong khâu vắt sữa, anh đặc biệt chú trọng vắt bằng máy chứ không dùng tay. Trước đó, dê vắt sữa cũng cần vệ sinh bầu vú, loại bỏ những tia sữa đầu tiên.
Sữa dê sau khi vắt vào máy được đưa đi thanh trùng sạch sẽ, đóng gói và bảo quản lạnh. Sữa chua sấy khô cũng đảm bảo khép kín trong quá trình vận chuyển và sấy thăng hoa để vi sinh không xâm nhập. “Cá nhân tôi nghĩ đây là yếu tố sống còn đối với một cơ sở sản xuất. Nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng chắc chắn sẽ quay lưng với mình”, anh Đua cho biết thêm.
Hiện tại, sản phẩm sữa dê của gia đình anh Đua đã đăng kí sản phẩm OCOP và được biết đến rộng rãi tại ĐBSCL. Cơ sở sẽ tiếp tục đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đầu tư trang thiết bị máy hiện tại để nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Kỳ vọng nông nghiệp vùng vươn xa
Hướng tới trở thành một trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL, những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ luôn phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giúp đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Qua đó, trong suốt nhiều năm, thành phố Cần Thơ được xếp hạng nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố triển khai tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản.
Trong 10 tháng của năm 2022, thành phố tổ chức 40 lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn gần 1.600 lượt người tham dự; duy trì 136 cánh đồng lớn với diện tích hàng vụ trên 33.576ha và có 561ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP (461ha lúa VietGAP và 100ha GlobalGAP); phát triển chăn nuôi tập trung, có 274 trang trại chăn nuôi, trong đó 4 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, 4 mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận VietGAP.
Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ cho biết, ngành nông nghiệp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, tăng cường giao thương với các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL. “Các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL cũng đưa sản phẩm OCOP và sản phẩm được chứng nhận chuỗi an toàn thực phẩm lên sàn thương mại điện tử với kỳ vọng giúp nông nghiệp vùng ngày một vươn xa” - ông Nhơn thông tin thêm.