Lãi suất huy động giảm đồng loạt
Theo quan sát của PV Báo Lao Động, đến cuối tuần qua, mặt bằng lãi suất (LS) huy động tiền đồng (VND) đồng loạt được các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn dưới 6 tháng với mức giảm thấp nhất là 0,5% so với biểu LS niêm yết trước đó. Tại các NHTM quy mô lớn như Vietcombank, LS tiết kiệm và LS tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng được điều chỉnh giảm xuống còn 4,1%-4,25%.
Trong khi đó, tại NH Vietinbank, LS tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng cũng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; LS tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm. Ngay tại các NHTM có quy mô nhỏ và vừa ABBank, SHB và SCB, trần LS huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng cũng được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn tối đa 4,25%
Với các kỳ hạn huy động VND từ 6 tháng trở lên, mặt bằng LS trên thị trường đang có sự phân nhóm rất rõ và phụ thuộc vào quy mô của các NH. Như tại các NHTM quốc doanh có quy mô lớn và đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường như Vietcombank, LS các kỳ từ 6 tháng đến 36 tháng hiện chỉ dao động trong khoảng từ 4,9%/năm đến cao nhất 6,6%/năm.
Tương tự tại NH Vietinbank, LS huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên hiện cũng chỉ phổ biến trong khoảng từ 5,1% đến cao nhất 6,8%/năm. Ngược lại, ở các NH quy mô nhỏ và vừa như SHB, SCB hay ABBank, LS một số kỳ hạn vẫn được trả trên 8%/năm. Thậm chí, LS tới 8,9 - 9,2%/năm như tại SHB và 8,3%năm tại ABBank. Tuy nhiên, người dân có nhu cầu gửi tiền rất khó để tiếp cận các mức LS cao nhất này bởi NH yêu cầu số tiền gửi tiết kiệm phải từ… 500 tỉ đồng trở lên.
Không phụ thuộc quá nhiều vào vốn ngân hàng
Mặt bằng LS huy động VND nhanh chóng đi xuống ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các quyết định điều chỉnh giảm một loạt LS điều hành cũng như trần LS huy động trên thị trường.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng Giám đốc VietinBank, hiện nay, nguồn vốn cung cấp cho thị trường của ViettinBank nói riêng và các NHTM nói chung chủ yếu từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Do đó, các quyết định giảm LS điều hành là điều kiện rất tốt cho các NHTM có điều kiện giảm LS cho vay đối với doanh nghiệp và cá nhân. Nhưng để có thêm điều kiện tốt hơn nữa để cung cấp cho thị trường các khoản vay có LS thấp hơn, cùng với việc giảm mặt bằng LS huy động trên thị trường, các NH sẽ phải cố gắng tiết giảm chi phí và huy động thêm các nguồn vốn giá rẻ khác.
“Thực ra, hiện nay, nguồn thanh khoản của NHTM cũng rất dồi dào nên việc NHNN giảm LS điều hành cũng là một tín hiệu cho các NHTM cũng như thị trường” - ông Vinh cho biết.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cũng cho hay, thực tế các NH hiện nay không thiếu vốn cũng như sẵn sàng cho doanh nghiệp và người dân vay vốn phục vụ hồi phục sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19. Song để có thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi tại các NH hiện nay, các doanh nghiệp cần phải có phương án kinh doanh hiệu quả nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn của các NH.
Chính vì vậy, để chuẩn bị đón nhận dòng vốn NH sẽ có giá rẻ hơn trong tương lai, các doanh nghiệp cần sớm thay đổi tư duy kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề sản xuất hiện nay để có phương án kinh doanh hiệu quả.
Thực tế ngoài nguồn vốn từ các NH, việc NHNN giảm LS điều hành cũng đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn vốn từ các kênh khác như trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Cụ thể, theo đánh giá của chứng khoán BVSC, việc NHNN giảm LS điều hành và giảm trần LS huy động khiến kênh TPDN sẽ trở nên hấp dẫn hơn tương đối khi mức LS ở mức cao hơn LS huy động trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hoàn toàn có cơ hội hạ LS TPDN nhằm giảm chi phí vốn trong thời gian tới.
“Trong bối cảnh huy động vốn từ kênh NH của doanh nghiệp vẫn còn tương đối khó khăn khi gói hỗ trợ tín dụng vẫn còn chưa đến được với nhiều doanh nghiệp thì kênh trái phiếu được dự báo vẫn tiếp tục sôi động trong thời gian tới” - BVSC đánh giá.
Doanh nghiệp ồ ạt tìm kiếm nguồn vốn mới
Các dữ liệu thị trường theo thống kê của BVSC cho thấy, chỉ riêng trong tháng 4.2020, các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại phát hành tới 30.121 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp nhằm huy động vốn trở lại. Con số này gần bằng lượng trái phiếu 35.550 tỉ đồng phát hành trong suốt 3 tháng đầu năm 2020.