Theo Forbes, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng ở vị trí thứ 499, xếp theo thứ hạng danh sách người giàu toàn cầu và xếp hạng số 1 tại Việt Nam.
Forbes cho hay, ông Phạm Nhật Vượng học ở Nga và bắt đầu kinh doanh mì ăn liền ở Ukraine vào những năm 1990 trước khi quay trở lại làm ăn tại Việt Nam. Nguồn gốc tài sản của Chủ tịch Vingroup chủ yếu từ bất động sản, bán lẻ và chăm sóc sức khỏe.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, VN-Index giảm 8,27 điểm (0,92%) khi lùi về ngưỡng 892,54 điểm. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch này, cổ phiếu VIC của Vingroup – cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất chiếm tỷ trọng 10,53% giá trị niêm yết trên sàn HOSE – giảm sàn với mức giảm 7.100 đồng, đóng cửa ở mức giá 95.300 đồng/cổ phiếu.
Với mức giá này, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch VIC - tại VIC đã giảm 13.242 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018. Hiện giá trị cổ phiếu do ông Vượng nắm giữ là 177.552 tỷ đồng (7,67 tỷ USD). Mặc dù vậy, so với đầu năm 2018, tài sản của ông Vượng thông qua việc nắm giữ cổ phiếu VIC đã tăng thêm 33.573 tỷ đồng (1,45 tỷ USD).
Trong khi đó, phiên giao dịch cuối năm chứng kiến việc VJC của Vietjet Air đứng giá tham chiếu. Hiện tổng tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Vietjet Air - là 20.221 tỷ đồng, đứng thứ hai trên bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán.
Với ông Hồ Hùng Anh, người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán, việc cổ phiếu MSN giảm 1,9% và đóng cửa ở mức giá 77.500 đồng đã khiến giá trị tài sản của ông Hùng Anh thông qua việc nắm giữ cổ phiếu MSN đã giảm 371 tỷ đồng. Cùng với đó, cổ phiếu TCB giảm 0,8% cũng khiến cho tài sản của Chủ tịch Techcombank thông qua việc nắm giữ cổ phiếu này giảm 7,8 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 28.12.
Tính chung, trong ngày giao dịch cuối năm, giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm 389 tỷ đồng. Hiện tổng giá trị tài sản của ông Hồ Hùng Anh thông qua việc nắm giữ cổ phiếu MSN và TCB là 20.181 tỷ đồng.
Đứng sau ông Hùng Anh trên bảng xếp hạng này là ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group. Trong phiên giao dịch cuối năm, giá trị cổ phiếu do ông Quang nắm giữ đã giảm 378 tỷ đồng đối với cổ phiếu MSN và giảm 1,8 tỷ đồng đối với TCB. Tính chung, giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang giảm 380 tỷ đồng trong phiên 28.12, còn 19.787 tỷ đồng.
Người đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng này là ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Cổ phiếu HPG đứng giá tham chiếu trong ngày 28.12, do đó tổng tài sản của ông Long vẫn đứng ở mức 16.532 tỷ đồng.
Với việc cổ phiếu VIC giảm giá, trong khi ROS tăng giá trở lại, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và bà Phạm Thu Hương - vợ ông Phạm Nhật Vượng lại tiếp tục hoán đổi vị trí cho nhau trên bảng xếp hạng. Tại thời điểm này, tổng tài sản của ông Quyết đang là 15.565 tỷ đồng, trong khi giá trị cổ phiếu của bà Hương là 14.395 tỷ đồng.