Bắt đầu từ hôm 5.1.2023, cổ phiếu GAB của Công ty Cổ phần Đầu tư Khai khoáng & Quản lý Tài sản FLC đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát. Nguyên nhân là do GAB không có giao dịch trong vòng 9 tháng qua, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Ngoài ra, HoSE còn cho biết, cổ phiếu GAB còn đang trong diện hạn chế giao dịch do công ty này chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 qua 45 ngày so với thời hạn quy định. Do đó, HoSE đã đề nghị GAB ngoài công bố thông tin còn phải kèm theo biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát.
Định kỳ hằng quý, GAB cũng phải giải trình, báo cáo việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin đầy đủ. Nếu sau thời hạn quy định mà vẫn không nhận được văn bản hợp lệ từ công ty, HoSE sẽ xử lý theo quy định hiện hành.
Ngay sau đó, theo công văn giải trình mới nhất đề ngày 4.1 của GAB do Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Công ký, trong vòng 9 tháng qua GAB không phát sinh giao dịch hoàn toàn do ý chí, nhu cầu của nhà đầu tư trên thị trường.
“Công ty GAB khẳng định không có can thiệp, tác động đến hoạt động giao dịch của nhà đầu tư” - lãnh đạo GAB cũng cam kết nếu có bất cứ phát sinh giao dịch nào, công ty sẽ nhanh chóng báo cáo và công bố thông tin để khắc phục tình trạng chứng khoán nêu trên.
Trên thực tế, trong vòng gần 3 năm qua, kể cả giai đoạn thị trường sôi động, giao dịch của mã chứng khoán này vẫn khá èo uột, liên tục có chuỗi phiên “đóng băng”. Phiên giao dịch sôi động nhất cũng chỉ ghi nhận hơn 3,7 triệu đơn vị được chuyển nhượng trong ngày 1.4.2020.
Đây được coi là phiên giao dịch lịch sử của mã chứng khoán này sau một giai đoạn tăng phi mã những tháng đầu năm 2020 khi GAB lập kỷ lục với mức tăng giá trên 1.100%, từ mức giá đầu năm 2020 là 16.250 đồng/cổ phiếu lên gần 200.000 đồng/cổ phiếu.
Khó chồng khó
Thực tế phiên cuối cùng GAB có giao dịch là ngày 25.3.2022, khối lượng chuyển nhượng thành công là 300 cổ phiếu dao động trong khoảng 196.400 đồng/cổ phiếu và 196.600 đồng/cổ phiếu. 196.400 đồng/cổ phiếu cũng là giá đóng cửa phiên ngày 25.3.2022 và mức giá này đã được duy trì đến thời điểm hiện tại do trong suốt khoảng thời gian trên GAB hoàn toàn mất thanh khoản.
GAB có vốn hóa hơn 2.900 tỉ đồng, trong đó cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nắm giữ hơn 51%, còn khoảng 1.400 tỉ đồng giá trị cổ phiếu GAB do các cổ đông khác đang nắm giữ. Theo diễn biến thực tế trên, rất nhiều cổ đông nhỏ lẻ đã không thể giao dịch cổ phiếu này.
Cuối tháng 12.2022, GAB triệu tập đại hội cổ đông bất thường song cả hai lần triệu tập đều không thành công do số cổ đông tham dự họp đại diện không đủ từ 33% tổng số phiếu biểu quyết. Do đó, đại hội cổ đông bất thường lần 3 được GAB tiếp tục dự kiến tổ chức vào ngày 17.1.2023 tới đây.
Theo tài liệu họp, GAB trình cổ đông thông qua các nội dung: Miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Thu Hằng và bầu bổ sung nhân sự ban kiểm soát; miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT với ông Nguyễn Đức Công và bà Vũ Thị Minh Huệ và bầu nhân sự thay thế.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 tự lập, công ty ghi nhận doanh thu 7,1 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế lỗ 1,2 tỉ đồng. GAB lý giải, do ảnh hưởng khách quan của sự việc cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết dẫn đến các đối tác, tổ chức tín dụng dừng hoặc hạn chế giao dịch với công ty do lo ngại là bên liên quan.
Bên cạnh đó, do giá cả thị trường biến động mạnh ảnh hưởng đến kinh tế cả nước cũng như giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong kỳ của doanh nghiệp này cũng giảm.