Phiên giao dịch đầu tuần ngày 20.2 (giờ Việt Nam), tình trạng dư cung khiến giá dầu thế giới kéo dài đà giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngay cả khi sản lượng dầu của Nga bị sụt giảm vì các lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) thì Mỹ vẫn có khả năng bù đắp khoảng trống này.
Tuy nhiên, sang phiên giao dịch ngày 21.2 (giờ Việt Nam), giá dầu có xu hướng đi lên trong bối cảnh thị trường ghi nhận cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung năng lượng, đặc biệt là khí đốt tại châu Âu khi mùa hè nắng nóng đang đến gần.
Sau đó, giá dầu thế giới lại chạm mức thấp nhất trong hai tuần vào phiên 23.2 (giờ Việt Nam), khi nhà đầu tư lo ngại rằng các số liệu kinh tế gần đây sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất mạnh hơn, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Tới hai phiên giao dịch cuối tuần 24-25.2, giá dầu quay đầu tăng sau khi báo cáo về dự trữ xăng dầu của Mỹ được công bố.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,2%, lên mức 82,99 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 1%, lên mức 76,32 USD/thùng
Bên cạnh đó, việc Nga có kế hoạch cắt giảm xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của nước nước đến 25% trong tháng 3.2023, vượt qua mức cắt giảm sản lượng đã thông báo trước đó là 500.000 thùng/ngày cũng hỗ trợ giá dầu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 23.2 công bố báo cáo cho thấy, dự trữ dầu thô thương mại của nước này tăng 7,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17.2. Trong khi đó, tổng dự trữ xăng giảm 1,9 triệu thùng trong tuần trước, còn dự trữ nhiên liệu chưng cất tăng 2,7 triệu thùng.
Tính đến ngày 24.2, tròn 1 năm diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá dầu Brent đã mất 15% so với một năm trước đó. Giá dầu này đã đặt mức cao nhất trong 14 năm là gần 128 USD/thùng vào ngày 8.3.2022.
JP Morgan cho biết giá dầu trong ngắn hạn có khả năng sẽ giảm xuống mức 70 USD/thùng khi tăng trưởng toàn cầu mạnh lên và lượng hàng tồn kho dư thừa.
Còn Jim Ritterbusch của công ty tư vấn Ritterbusch and Associates cho biết dù nguồn cung của Nga bị hạn chế là nhân tố để tăng giá, nhưng việc tăng lãi suất của Mỹ vốn được củng cố thêm bởi các biên bản của Fed sẽ là trở ngại lớn đối với sự bền vững của giá dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 26.2 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.542 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.443 đồng/lít; dầu diesel không quá 20.806 đồng/lít; dầu hỏa không quá 20.846 đồng/lít; dầu mazut không quá 14.251 đồng/kg.