Giá trị kim ngạch bật tăng nhờ EVFTA
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực sau hơn 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đi vào thực thi. Trong đó, thủy sản là mặt hàng tận dụng được ưu đãi ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định có hiệu lực.
Tính từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9.2020, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU và Anh đạt khoảng 263 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ 2 tháng năm 2019.
Một số mặt hàng có kim ngạch bắt đầu tăng từ đầu tháng 9. Cụ thể, mặt hàng gạo, nhờ tận dụng hạn ngạch thuế quan theo EVFTA, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 đạt 1,74 triệu USD, tăng 168% so với tháng trước.
Xuất khẩu giày dép, mặc dù tiếp tục chịu tác động lớn của việc sụt giảm nhu cầu do đại dịch COVID-19 cũng bắt đầu ghi nhận kim ngạch tăng trưởng nhẹ trong tháng 9, đạt 307,07 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước.
Xuất khẩu nông sản kịp thời "đón sóng"
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), ngay khi thực thi EVFTA, trong tháng 8.2020, giá trị xuất khẩu càphê của Việt Nam sang EU đạt 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7.2020. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng phổ biến từ 80-200 USD/tấn.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8.2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước. Xuất khẩu thủy sản cũng ước tính tăng 10% so với tháng 7.2020.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), qua hơn 2 tháng thực thi EVFTA, Hiệp định này đã tác động 3 vấn đề của ngành hàng thủy sản xuất khẩu sang EU. Trong đó, số lượng đơn hàng với mặt hàng tôm tăng lên từ 10-15% và hy vọng từ nay đến cuối năm nhu cầu sẽ tăng lên so với năm trước.
Điều quan trong là các nhà nhập khẩu quan tâm đến những mặt hàng có lộ trình giảm từ thuế 3-5 năm để khởi động, xây dựng các chiến lược về vấn đề xâm nhập thị trường trong dài hạn sau khi hết lộ trình giảm thuế.
"Các doanh nghiệp cũng đã quan tâm tối đa đến các vấn đề chứng nhận quốc tế để đáp ứng tiêu chuẩn của EU, nhằm tận dụng tốt hơn cơ hội của Hiệp định này trong thời gian tới" - ông Trương Đình Hòe nói.
Ông Lê Duy Minh - Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam (VFAEA), cũng tỏ ra lạc quan về dư địa tăng trưởng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU còn rất lớn nhờ những lợi thế của hàng Việt Nam mà EVFTA mang lại.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: Trước đây rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu bằng đường hàng không, cước phí rất cao, khiến giá rau quả của Việt Nam khó cạnh tranh.
Từ khi thực thi EVFTA, việc thuế suất về 0% tạo ra lợi thế rất lớn cho rau quả Việt Nam. Bên cạnh đó, với ưu thế đặc thù của rau quả nhiệt đới, nên rau quả Việt Nam có dư địa rất lớn tại thị trường với các sản phẩm ôn đới của EU.
Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho rằng, khi Việt Nam ứng dụng thành công công nghệ bảo quản có thể giữ rau quả tươi hơn 40 ngày để vận chuyển bằng đường tàu biển với chi phí thấp, giá thành rẻ hơn, giá rau quả Việt Nam sẽ còn thấp hơn nữa, cạnh tranh với rau quả nhập từ các nước nhiệt đới như Thái Lan, Malaysia, Indonesia hiện nay chưa ký Hiệp định thương mại tự do với EU.