Trước khi có EVFTA, xuất khẩu rau quả lao đao vì COVID-19
Theo Bộ Công Thương, do tác động của dịch COVID-19, xuất khẩu rau, củ, quả của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, giá trái cây, rau củ “lao dốc”. Có thời điểm khi Trung Quốc đóng cửa khẩu, giá nhiều loại trái cây “rớt thảm”: Dưa hấu hái tại vườn còn 1.000-2.000 đồng/kg, thanh long: 4.000-6.000 đồng/kg, xoài: 3.000 đồng/kg, bơ booth: 6.000-8.000 đồng/kg…
Gặp khó ở thị trường Trung Quốc trong xuất khẩu tiểu ngạch, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương đã phối hợp để tìm lối ra cho rau, củ, quả của Việt Nam qua đường xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt mở rộng tại các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Tuy vậy, trong 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau, quả ước đạt 2,26 tỉ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo, năm nay xuất khẩu rau quả có thể vẫn sụt giảm khoảng 10% so với năm 2019.
Cơ hội xuất khẩu rau quả "tăng tốc" ở EU
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng đưa ra nhận định, với sự “hậu thuẫn” của Hiệp định thương mại tự do Châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA), dự kiến xuất khẩu rau, củ, quả sang EU thời gian tới sẽ khởi sắc. Thực tế cho thấy, tháng 8.2020, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện đứng thứ 5 Châu Á về sản lượng rau quả. Sản phẩm rau quả của Việt Nam đã có mặt tại trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đặc biệt, EVFTA đang mang đến nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU, bởi EU là một thị trường năng động, những cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực thương mại.
Trong các nước EU, Hà Lan là quốc gia có khối lượng nhập khẩu rau, củ, quả từ các nước khá lớn, bởi từ lâu nay, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để trung chuyển rau, củ, quả vào thị trường EU.
Ông Mathijs van den Broek - Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cho biết: EU là một thị trường có nhu cầu ổn định về rau, quả (chiếm 45% trị giá thương mại hàng rau quả toàn cầu). Quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn cho các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu EU thường tìm kiếm các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các khu vực chiến lược để có thể cung cấp rau quả cho người tiêu dùng bất kỳ lúc nào trong năm. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là thế mạnh cho các nhà xuất khẩu từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh: EU là thị trường “khó tính”, có yêu cầu rất khắt khe với các quy định về hàng rào kỹ thuật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm... Do đó, việc sản xuất theo hướng an toàn là yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm rau, củ, quả vào làm nguyên liệu cho chế biến, từ đó khai thác tối đa giá trị của các sản phẩm thu hoạch được, giúp nông dân tăng thêm thu nhập do sản phẩm làm ra được tiêu thụ hết.
Hiện nay, các doanh nghiệp rau quả của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của các đối tác EU, có khả năng cung ứng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt và an toàn cho thị trường EU.