Giữ đà hồi phục để tăng trưởng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG mới đây vừa công bố doanh thu tiêu thụ tháng 5.2023 đạt 668 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiêu thụ của doanh nghiệp này đã đạt 2.630 tỉ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ, xuất khẩu chiếm 98% chủ yếu sang các nước Mỹ (47%), Pháp (16%), Canada (11%).
Để giữ đà tăng trưởng này, theo tìm hiểu của Lao Động, vào đầu năm 2023, dệt may TNG đã triển khai đầu tư nhiều máy móc, thiết bị tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào.
Cụ thể, TNG đã đưa vào hoạt động chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa TNG) và Trung tâm phát triển mẫu TNG tại Nhà máy TNG Sông Công 3. Trong đó, Chi nhánh TOT này có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm máy tự động hóa công nghệ cao dành cho lĩnh vực may mặc.
Còn Trung tâm phát triển mẫu TNG có chức năng nghiên cứu các sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm may cho nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới như Decathlon, Nike, Adidas, TCP...
Thông tin về chính sách kích cầu tiêu dùng, ông Danny Le - đại diện lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan - mới đây cho biết, doanh nghiệp đã tối ưu hệ thống logistics để đưa sản phẩm tới người tiêu dùng với mức giá hợp lí.
Nằm trong sự dịch chuyển này, các thương hiệu bán lẻ lớn như Lotte Mart, Aeon Mall... cũng có xu hướng đầu tư nguồn lực để mở rộng mạng lưới...
Kéo dài các biện pháp hỗ trợ
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho hay, mặc dù 5 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mới đạt 20,26 tỉ đồng, giảm trên 11% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức giảm đang từng bước được thu nhỏ.
Với đà phục hồi như hiện nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến hết quý III/2023 sẽ bằng với quý III/2022 và sang quý IV có thể đẩy mạnh tăng trưởng.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 5 tháng năm 2023, cả nước có hơn 61,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 568,7 nghìn tỉ đồng, giảm 1,6% về số doanh nghiệp, giảm 25,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Từ thực tế trên, PGS.TS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - kiến nghị Chính phủ phải tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, chủ động các chính sách hỗ trợ, tài khóa.
Chuyên gia này cho rằng, việc giảm thuế VAT trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên thay vì 6 tháng (đến cuối năm 2023) nên kéo dài thời gian áp dụng chính sách đến cuối năm 2024, đồng thời mở rộng đối tượng để kích thích tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, góp phần tăng trưởng kinh tế.
Tương tự TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - thông tin, trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn, bởi lạm phát tại Việt Nam đang giảm nhanh, cán cân thương mại đang thặng dư lớn còn nợ công mới ở mức 43,1% GDP, thấp hơn nhiều so với trần nợ công 60% GDP do Quốc hội quy định.
Ngoài ra các vướng mắc về pháp lí và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản, dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp...