CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) vừa công bố báo cáo tài chính giữa niên độ cho năm tài chính 2023. Kết thúc 6 tháng đầu năm, Gang thép Thái Nguyên ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 4.375 tỉ đồng, giảm 37% so với cùng kì. Đồng thời báo lỗ sau thuế 136 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 33 tỉ đồng.
Tại ngày 30.6.2023, tổng tài sản Gang thép Thái Nguyên đạt 10.611 tỉ đồng, tăng thêm khoảng 500 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả doanh nghiệp còn 8.797 tỉ đồng, cao gấp 4,85 lần vốn chủ sở hữu (1.813 tỉ đồng).
Được biết, tại phần báo cáo soát xét thông tin tài chính giữa niên độ, Công ty Kiểm toán AASC đã đưa ra nhiều ý kiến về tình hình tài chính của Gang thép Thái Nguyên.
Theo Công ty Kiểm toán AASC, tại thời điểm 30.6.2023, nợ phải trả Gang thép Thái Nguyên vượt 4,85 lần vốn chủ sở hữu, nợ phải trả ngắn hạn của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn 3.614,78 tỉ đồng, nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng 1.077 tỉ đồng và chi phí lãi vay phải trả của Dự án cải tạo Gang thép giai đoạn 2 quá hạn 1.363,72 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm. Giả định hoạt động liên tục sử dụng trong việc lập Báo cáo tài chính này cơ bản tùy thuộc vào việc gia hạn nợ với các ngân hàng và phương án bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty.
“Các thông tin trên cho thấy, có yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, Công ty Kiểm toán AASC nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, phía Gang thép Thái Nguyên cũng đã có những phản hồi về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Cụ thể, theo Gang thép Thái Nguyên, nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng phần lớn liên quan đến Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2.
Trong kết luận về dự án, Thanh tra Chính phủ cũng đang kiến nghị "Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ kế hoạch và Đầu tư" rà soát, xử lý những tồn tại, áp dụng cơ chế giảm lãi vay phát sinh trong thời gian dự án dừng thi công, Gang thép Thái Nguyên không có khả năng thanh toán, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến xử lý những vướng mắc (nếu có).
Đối với nợ gốc quá hạn phải trả ngân hàng còn lại, công ty đang tích cực làm việc với ngân hàng để được gia hạn trả nợ cho các khoản vay này".
Công ty đã thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Giảm tồn kho ở mức hợp lý, tích cực làm việc với các ngân hàng cho vay vốn để được cấp hạn mức tín dụng ở mức tối đa, thỏa thuận với các nhà cung cấp để tăng thời gian trả chậm cũng như yêu cầu khách hàng ứng trước tiền khi mua hàng... các chính sách này đã giúp công ty đảm bảo có được đầy đủ nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, thị trường tiêu thụ thép gặp nhiều khó khăn, sản lượng và giá bán giảm trong khi chi phí đầu vào điều chỉnh không tương ứng dẫn đến tỉ lệ lãi gộp giai đoạn cuối kỳ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, kết quả kinh doanh kỳ này sụt giảm so với kỳ trước.