Các chuyên gia cảnh báo nếu nhận được tiền chuyển khoản nhầm mà không trả lại, sẽ có khả năng bị khép vào tội “chiếm đoạt tài sản” và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, nếu có một người lạ liên hệ thông báo họ là người chuyển khoản nhầm và yêu cầu hoàn trả thì người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa hack tài khoản ngân hàng.
“Tuyệt đối không được cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, mật khẩu các ứng dụng thanh toán cho bất kỳ ai, kể cả những người tự xưng là công an, nhân viên ngân hàng qua điện thoại… Trong trường hợp phát hiện mật khẩu bị lộ, bạn cần phải thông báo khẩn cấp tới ngân hàng để khóa chức năng thanh toán online của tài khoản” - đại diện một ngân hàng cho biết.
Chiêu thức giả vờ chuyển tiền nhầm rồi đòi lại tiền kèm lãi suất “cắt cổ” này thậm chí còn được Công an TP.Hà Nội cảnh báo như một phương thức lừa đảo mới.
Trao đổi với phóng viên, giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết: “Thông tin cá nhân khách hàng bao gồm số điện thoại, email, địa chỉ, số tài khoản là thông tin mà ngân hàng không được phép tiết lộ, trừ khi có yêu cầu từ phía công an hoặc toà án.
Vì vậy, nếu có một người lạ tự ý liên hệ thông báo họ là người chuyển khoản nhầm và yêu cầu người nhận phải chuyển khoản trở lại thì người dân cần hết sức cảnh giác. Ngân hàng cũng không được tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận tiền”.
Theo các chuyên gia, để xử lý trong tình huống nhận được tiền chuyển khoản nhầm, người nhận tiền chuyển nhầm cần liên hệ với phía ngân hàng để đối chiếu, xác thực.
Người dân tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không có bên thứ ba làm chứng. Đồng thời không chuyển hoàn vào một tài khoản khác với tài khoản đã chuyển cho mình, phải chờ ngân hàng giải quyết trước.
Nếu là người nhận được tiền, biết là chuyển nhầm nhưng không trả lại và tự ý sử dụng tiền sẽ là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Điều 597, Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó.
Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản.
Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015. Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015".
Người nào có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng và tịch thu số tiền vi phạm theo quy định tại Điểm e Khoản 2 và Khoản 3 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 với mức xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.