Điều này củng cố kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giữ nguyên lãi suất để đánh giá tác động chính sách.
Theo Eurostat, mức tăng giá cơ bản (loại bỏ chi phí năng lượng và thực phẩm) đạt 4,5% trong tháng 9. Con số này giảm so với mức 5,3% trong tháng 8 và thấp hơn nhiều so với ước tính trung bình 4,8% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg.
Lạm phát chung giảm từ 5,2% xuống 4,3%.
Trái phiếu Đức mở rộng mức tăng sau khi phát hành. Lợi suất trái phiếu 10 năm giảm 8 điểm cơ bản - mức giảm lớn nhất kể từ tháng 8. Sự phục hồi diễn ra sau khi lãi suất tăng lên gần 3% - mức gần nhất xuất hiện vào năm 2011.
Các dữ liệu đều cho thấy, tốc độ tăng giá cơ bản (một thước đo quan trọng khi chính sách tiền tệ được thắt chặt) tại EU đang trên đà giảm.
Tuy nhiên để lạm phát về mục tiêu 2% của ECB, lãi suất cao được cho sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian này.
“ECB đã gợi ý vừa qua có thể là lần cuối cùng trong chu kỳ. Mức giảm lạm phát này có thể khiến ban lãnh đạo ECB không cần thắt chặt hơn nữa” - Maeva Cousin, nhà kinh tế cấp cao khu vực đồng Euro của Bloomberg, nhận định.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Slovenia Bostjan Vasle cho hay: “Chúng tôi nhận thấy một số dấu hiệu lạm phát đang giảm, cũng như một số dấu hiệu đầu tiên về tính bền vững của xu hướng này. Nhưng mặt khác, vẫn còn nhiều điều không chắc chắn”.
Đức, nền kinh tế lớn nhất khối EU, đang gặp rắc rối tồi tệ nhất và có thể chứng kiến sản lượng sụt giảm trong quý này. Tuy nhiên, tiền lương tăng có thể thúc đẩy phục hồi trong chi tiêu và giúp tăng trưởng trở lại vào cuối năm. Song, áp lực lương vẫn có thể cản trở con đường giảm phát.