Cảnh báo thiếu nước trầm trọng
Hồ chứa nước Đông Tiển (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) có dung tích thiết kế khoảng 7,6 triệu m3, phục vụ nguồn nước tưới cho gần 450ha diện tích sản xuất lúa ở vùng tây huyện Thăng Bình. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hồ chứa này chỉ tích được khoảng 50% lượng nước yêu cầu. Dự báo, với lượng nước hiện tại hồ Đông Tiển chỉ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của vụ Đông Xuân 2019-2020; còn với vụ Hè Thu năm 2020, khoảng 220ha diện tích sẽ đối diện với nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng, thậm chí bỏ tưới.
Ông Nguyễn Thanh Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Thăng Bình cho hay: “Với nguồn nước như vậy chỉ đảm bảo vụ Đông Xuân, còn vụ Hè Thu sẽ không đảm bảo hết theo hợp đồng của chúng tôi. Nếu mực nước hiện tại chúng tôi chỉ tưới khoảng 80% so với hồ Phước Hà, còn hồ Cao Ngạn và hồ Đông Tiễn thì về diện tích chỉ đảm bảo 40% so với đã hợp đồng theo kế hoạch”.
Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Quảng Nam cho biết, tâm mưa hiện đã qua nhưng 17 hồ chứa thủy lợi công ty quản lý thì có 6 hồ chứa mới chỉ tích xấp xỉ và dưới 50%. Nếu thời gian đến trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không xuất hiện các đợt mưa trên 500mm thì vùng tưới của các hồ này sẽ không đảm bảo. Một điều đáng lo đó là trường hợp các thủy điện không tích được nước thì khả năng đến cuối vụ Đông Xuân, khoảng 7.000ha lúa ở 2 sông Vu Gia và Thu Bồn sẽ đối diện với tình xâm nhập.
Giải pháp còn tạm thời
Theo Chi cục thủy lợi Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 73 hồ chứa thủy lợi nhưng tổng lượng nước thiếu so với quy trình là khoảng 74 triệu khối. Đối với các hồ chứa thủy điện, tổng lượng nước thiếu so với dung tích hữu ích lên đến 653 triệu khối. Để chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam đã tuyên truyền nhân dân sử dụng giống ngắn và trung ngày, đồng thời, cơ cấu mùa vụ theo từng bộ giống để giảm yêu cầu sử dụng nước. Ngoài ra, tích cực thực hiện chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả để chuyển sang các loại cây trồng cạn.
Đồng thời, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các hồ chứa thủy điện: A Vương và Sông Bung 4 dừng vận hành xả nước qua phát điện đến hết ngày 31.12.2019 để góp phần chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du. Nhằm cải thiện nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện này, bảo đảm phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn trong năm 2020.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, mực nước tại các hồ chứa thủy điện: A Vương và Sông Bung 4 tính đến ngày 9.12 chưa bảo đảm mực nước tối thiểu quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Hiện có cả chục thủy điện bậc thang trên hệ thống Vu Gia, Thu Bồn. Tuy nhiên, 2 nhánh sông Bung và A Vương có sự ảnh hưởng rất lớn đến vùng nông nghiệp của Quảng Nam cũng như nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu dân vùng hạ du như các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Hội An của Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.
Nếu cạn kiệt nước mùa khô, không chỉ ngành nông nghiệp thất thu mà nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng triệu dân, du khách vùng hạ du rất nghiêm trọng. Tuy vậy, ngăn phát điện của các nhà máy cũng chỉ là giải pháp tạm thời, ít hiệu quả, bởi khi nắng hạn kéo dài, ít mưa thì các thủy điện này cũng không cứu vãn nổi tình hình. Đặc biệt hiện nay việc xây dựng thêm một nhà máy nước sinh hoạt của Đà Nẵng vẫn chưa chính thức khởi động.