VLXD không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ không được phép lưu thông trên sông
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, từ năm 2023 đến nay, thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình về việc tăng cường siết chặt quản lý hệ thống bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD, mạng lưới các phương tiện vận tải thủy chuyên chở VLXD trên các tuyến sông trong toàn tỉnh để đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng hóa là VLXD không có hóa đơn giá trị gia tăng (VAT), không có hoặc không đủ chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ...; Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) chủ trì, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy - Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) và công an các huyện, thành phố đã triển khai đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, nắm chắc tình hình di biến động, đường đi của các loại phương tiện thủy chuyên chở VLXD.
"Chúng tôi quán triệt tất cả tàu thủy, sà lan, gọi chung là các phương tiện thủy có chở theo hàng hóa là cát, đá, sỏi... nếu không có hóa đơn VAT chứng minh nguồn gốc, xuất xứ mỏ, hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển,... thì chủ phương tiện không được phép lưu thông, di chuyển vào hệ thống sông trong tỉnh (sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý - PV) để cung cấp cho các bến bãi ven sông, công trình đang thi công. Việc này nhằm giảm thiểu các hành vi buôn lậu, trốn thuế, xa hơn là ngăn chặn hành vi khai thác trái phép khoáng sản, cát tặc", đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh Thái Bình, cho hay.
Trao đổi với PV Lao Động, một chủ hộ kinh doanh bến bãi, vật liệu xây dựng tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (đề nghị giấu tên) cho biết, trong suốt 20 năm gắn bó với nghề kinh doanh, buôn bán vật liệu xây dựng ở bến bãi ven sông Trà Lý, chưa bao giờ gặp nhiều khó khăn như thời gian qua.
Chủ hộ kinh doanh này chia sẻ: “Các nguồn vật liệu nếu không có đủ hóa đơn chứng từ, không có nguồn gốc xuất xứ mỏ thì tàu không thể chở hàng vào cấp cho bến. Trong khi các nguồn vật liệu có đầy đủ điều kiện lưu hành, buôn bán thì ngày càng ít đi, giá thành đắt. Chưa kể các chi phí vận chuyển, thuế má đã đẩy giá vật liệu lên cao hơn. Tuy vậy, bản thân chúng tôi sau khi được tuyên truyền, giải thích thì cũng đã dần làm quen và thích ứng. Có ít làm ít, có nhiều làm nhiều chứ không dám làm liều, làm trái như giai đoạn trước đây”.
Đủ kiểu "can thiệp", "tác động", "xin xỏ" đến "gây sức ép"
Theo một cán bộ Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh Thái Bình, từ khi các đơn vị phối hợp tăng cường quản lý, siết chặt quản lý hệ thống bến bãi vật liệu xây dựng (VLXD), các phương tiện thủy chuyên chở VLXD theo chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh như đã nêu ở trên, bản thân cán bộ, chiến sỹ cũng đối mặt rất nhiều áp lực.
"Đầu tiên là các chủ kinh doanh bến bãi, lúc đầu họ phản ứng khá gay gắt khi không nhập được hàng để kinh doanh, trong khi nhu cầu thực tế của khách hàng luôn rất lớn. Tiếp đó là các chủ tàu, bến bãi lớn, đại lý lớn là bên bán buôn cũng phản ứng vì không có hóa đơn, chứng từ tàu không được phép vào sông. Thời gian đầu, từ chỉ huy cho đến cán bộ đều thường xuyên nhận được các cuộc điện thoại từ chỗ này, chỗ kia gọi đến xin xỏ, tác động để "linh động" cho phương tiện không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ đi qua. Khi chúng tôi kiên quyết từ chối, không giúp đỡ được, có người thậm chí hỏi tìm đến tận nhà để xin xỏ. Thế nhưng quy định là như vậy, chúng tôi không thể làm trái", vị cán bộ chia sẻ.
Đáng nói là, khi đã tìm đủ mọi cách "nhờ vả", "tác động", "xin xỏ" nhưng không được chấp nhận, một số đối tượng xấu đã lợi dụng danh nghĩa này, vai trò kia để quay lại "soi mói", "gây sức ép" đến cán bộ thực thi nhiệm vụ như để "trả đũa", "dằn mặt" khiến cơ quan chức năng vốn đã áp lực lại càng thêm phần áp lực hơn.
Vẫn theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) - Công an tỉnh Thái Bình, một số chủ phương tiện thủy, chủ bến bãi, người lái phương tiện... còn tìm đủ mọi cách như mua bán trái phép hóa đơn VAT, làm khống chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, sử dụng quay vòng hóa đơn, chứng từ... để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa hòng qua mắt lực lượng chức năng.
Lường trước được tình trạng này, lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) và các Đội Cảnh sát kinh tế thuộc Công an huyện, thành phố hỗ trợ, tăng cường cán bộ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm (nếu có).