Không thể bắt dân vá lỗ thủng ngân sách
Theo đại diện Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam, khi thuế nhập khẩu giảm tiếp xuống 0% thì phải tăng thuế khác để bù vào. “Rõ ràng đây là trách nhiệm của công dân với đất nước. Nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu không thay đổi, giá vẫn thế. Vì giá bán lẻ phụ thuộc vào nhiều loại thuế, tăng cái này, giảm cái kia thì vẫn không thay đổi” - Ý kiến này của ông Phan Thế Ruệ đã vấp phải nhiều ý kiến phản biện trái chiều của các chuyên gia kinh tế, và đặc biệt là của các DN, người dân.
Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay, trong việc ngân sách bị thâm thủng, có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân là kỷ luật tài chính không tốt, hiệu quả chi không đúng, bộ máy cồng kềnh… Nếu bù đắp thâm thủng ngân sách bằng cách tăng thuế bảo vệ môi trường là phi lý, không đúng nguyên tắc tài chính, bởi nguồn thu của cái nào phải chi đúng cho cái đó.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, thuế bảo vệ môi trường đánh bằng số tiền đồng tuyệt đối trên một lít xăng dầu là chưa hợp lý, chỉ có lợi cho ngân sách có nguồn thu cố định dù giá xăng dầu giảm, nhưng người tiêu dùng thì không được hưởng lợi khi giá xăng dầu giảm. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với mức như vậy, cao hơn so với việc giảm thuế nhập khẩu, chắc chắn giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng, không chỉ ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN, mà còn tác động ngược đến đời sống kinh tế.
Ở góc độ của mình, TS Lê Đăng Doanh nói, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức 8 nghìn đồng/lít, nghĩa là gánh nặng chi phí sẽ đổ lên vai người tiêu dùng và các doanh nghiệp. “Mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu như vậy là quá cao. Tăng thuế lên 8 nghìn đồng/lít sẽ làm tăng chi phí vận tải, tác động tới giá cả của nhiều mặt hàng, gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Không nên áp dụng mức thuế như vậy” - TS Lê Dăng Doanh thẳng thắn nêu quan điểm. Theo ông, nếu bắt buộc phải tăng, thì chỉ nên tăng thêm khoảng 1,5-2 nghìn đồng/lít để tránh đặt gánh nặng lên doanh nghiệp, người dân.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cũng nhấn mạnh: Cần phải minh bạch lộ trình tăng thuế và phải tính đến việc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Theo đại diện các đơn vị kinh doanh vận tải, với mức tăng kịch trần thêm 8 nghìn đồng/lít, chi phí nhiên liệu sẽ tăng thêm 30%, chắc chắn các DN kinh doanh vận tải sẽ phải tăng cước phí. Như vậy, cái “đáy” chịu tác động cuối cùng vẫn là người dân.
Không tăng khi quỹ chi cho bảo vệ môi trường còn tới gần 70%
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chưa nên tăng phí bảo vệ môi trường vào xăng dầu vào thời điểm hiện nay.
“Trong biên độ dao động, mức phí bảo vệ môi trường tính vào xăng dầu ở mức từ 1.000-4.000đ. Ta đang áp dụng mức 3.000đ. Vẫn còn biên độ 1 nghìn đồng. Hơn nữa, trong năm 2015 - 2016 phí bảo vệ môi trường thu được khoảng trên 40 nghìn tỉ đồng, mới chi trên 10 nghìn tỉ đồng, vẫn còn 30 nghìn tỉ đồng, vậy tại sao phải tăng phí bảo vệ môi trường vào thời điểm hiện nay, khi chỉ mới “tiêu” được trên 30% mức phí thu được” - Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lập luận.
Nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) - ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, việc “tận thu thuế” bằng cách áp ngay thuế cao ngay từ đầu vào sản phẩm là không nên. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, số thu thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm, chiếm tỉ trọng khoảng 1,5% - 4,1% tổng thu Ngân sách Nhà nước. Nhưng thực tế, số chi cho bảo vệ môi trường vẫn thấp hơn số thu, thậm chí chỉ bằng 1/4 số thu.
Theo Tổng Cục Thuế, dự kiến số thu thuế Bảo vệ môi trường xăng dầu nhập khẩu trong năm 2017 vào khoảng 27,4 nghìn tỉ đồng, ngân sách trung ương hiện hưởng 100% số thu thuế Bảo vệ môi trường từ xăng dầu nhập khẩu.
Hiện, Luật Thuế Bảo vệ môi trường quy định biểu khung mức thuế đối với xăng từ 1- 4 nghìn đồng/lít, mức thuế đang áp dụng là 3 nghìn đồng/lít; dầu diesel từ 500 đồng đến 2 nghìn đồng/lít, mức thuế đang áp dụng là 1,5 nghìn đồng/lít.