Kê khai lại
20 chiếc tàu vỏ thép nằm bờ do rỉ sét, hư hỏng ở Bình Định là câu chuyện làm hao tốn quá nhiều giấy mực suốt năm 2017. Trong số này, 15 tàu là sản phẩm của Cty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an); 5 chiếc còn lại do Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng.
Đến thời điểm hiện nay, việc sửa chữa, khắc phục đã hoàn thành. 15 chiếc đã sản xuất trở lại; 5 chiếc, sau khi khắc phục sự cố (4 của Cty Nam Triệu và 1 của Đại Nguyên Dương) đang chuyển đổi từ khai thác lưới vây sang nghề mành chụp, kiểm tra, sửa chữa ngư lưới cụ...
Có rất ít tiến bộ trong nỗ lực tìm kiếm “công thức” bù đắp thiệt hại. Đối với nhóm tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng, sau cuộc họp hồi đầu tháng 1.2018, hai bên chỉ thống nhất phần hỗ trợ 86 triệu đồng/chủ tàu và lãi suất ngân hàng thời gian tàu lên đà sửa chữa. Riêng tàu của ngư dân Võ Tuân (Mỹ Thắng, Phù Mỹ), Cty đồng ý chi trả khoản sửa chữa máy dò cá, căn cứ hóa đơn do ông Tuân cung cấp.
Phần thiệt hại trước khi tàu lên đà mà ngư dân kê khai, yêu cầu đền bù hơn 2.677 triệu đồng, doanh nghiệp thẳng thừng bác bỏ. Đại Nguyên Dương đề nghị 5 chủ tàu “kê khai lại các khoản thiệt hại hợp lý và cung cấp chứng từ, hóa đơn, nếu có”.
Phía Cty Nam Triệu, tình hình cũng không sáng sủa hơn. Khác với nhiều tuyên bố trước kia, ngày 12.1.2018, tại cuộc họp với ngư dân dưới vai trò “trọng tài” của Sở NNPTNT Bình Định, con số 36.544 triệu đồng do 14 chủ tàu đề xuất đền bù, hỗ trợ không được Nam Triệu thừa nhận. Giống những đồng hương cùng cảnh ngộ bên Đại Nguyên Dương, nhóm khách hàng Nam Triệu bị buộc phải “kê khai lại và cung cấp hóa đơn, chứng từ” để cơ sở đóng tàu “có cơ sở xem xét, trả lời”.
27 cuộc họp và đường đến pháp đình
Con số kê khai lại, theo tính toán của 5 khách hàng Đại Nguyên Dương và báo cáo từ UBND 2 huyện Phù Mỹ, Phù Cát (5.308 triệu đồng, làm tròn) càng khiến doanh nghiệp đóng tàu Nam Định choáng váng. Câu trả lời của Đại Nguyên Dương, ngay lập tức là “không đồng ý giải quyết, không có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trước khi đưa tàu lên đà sửa chữa”. Lý do: “Cty đã thực hiện việc bảo hành, sửa chữa hư hỏng theo đúng hợp đồng hai bên ký kết. Việc yêu cầu bồi thường của 5 chủ tàu là không có căn cứ”.
Đại Nguyên Dương chỉ đồng ý “hỗ trợ một phần chi phí sửa chữa hợp lý cho ông Võ Tuân với số tiền 79 triệu đồng và ông Trần Minh Vương với số tiền 30 triệu đồng”. Cty Nam Triệu cũng phản ứng tương tự đối với khoản “kê khai lại” 27.919 triệu đồng: “Cty đã tuân thủ hợp đồng, thực hiện đúng thiết kế, quy trình theo quy định được kiểm tra, kiểm định chặt chẽ từng giai đoạn, có xác nhận của cơ quan đăng kiểm tàu cá.
Khi xảy ra sự cố, Cty đã hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, thay thế, sửa chữa, bảo hành, bảo trì theo đúng hợp đồng và yêu cầu của từng chủ tàu. Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của 14 chủ tàu là không có căn cứ”.
Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Phan Trọng nêu ý kiến giữa tình trạng giằng co, bất đồng gay gắt của các bên: “Hội Luật gia Bình Định sẽ hỗ trợ, tư vấn pháp lý để ngư dân khởi kiện ra tòa. Sở NNPTNT không giải quyết nữa”.
Phó Chủ tịch Hội Luật gia Bình Định Huỳnh Thị Kim Xuyên: “Phải ra tòa là bước đi cuối cùng, là lựa chọn cực chẳng đã. Chúng tôi ủng hộ phương án thương lượng, thỏa thuận có lý có tình. Tuy nhiên, nếu bà con ngư dân yêu cầu, Hội Luật gia Bình Định sẵn sàng tư vấn, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý miễn phí. Các buổi làm việc tới đây dưới huyện, đề nghị có sự tham dự của đại diện Hội Luật gia”.