Giá vàng thế giới tăng do lo ngại về xung đột tiếp tục leo thang gữa Iran và Israel, gây ra tâm lý trú ẩn tài sản.
Phiên vừa qua, giá vàng giao ngay ít thay đổi ở mức 2.378,30 USD/ounce vào lúc 13h10 (giờ GMT). Trước đó trong phiên, giá vàng có thời điểm tăng cao tới 2.417,59 USD. Theo đó, giá vàng thế giới đã tăng hơn 1% trong tuần này.
Giá vàng tương lai của Mỹ giảm 0,2% ở mức 2.393,50 USD/ounce.
Tuần trước, giá vàng thế giới leo lên mức cao kỷ lục, vượt 2.400 USD/ounce và đánh dấu tuần tăng thứ tư liên tiếp. Giá vàng đã trải qua một đợt giảm giá nhẹ khi được chốt lời. Điều này được cho do tâm lý bất an về rủi ro kinh tế.
Reuters dẫn lời ông David Meger, chuyên gia về thị trường kim loại tại High Ridge Futures: “Tình hình ở Trung Đông đã chi phối thị trường. Nếu xung đột hạ nhiệt, giá vàng sẽ giảm trở lại hoặc củng cố khi lực mua trú ẩn an toàn cạn kiệt. Tuy nhiên, về lâu dài, xu hướng tăng cao hơn của giá vàng sẽ tiếp tục do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể không cắt giảm lãi suất ngay khi thị trường kỳ vọng”.
Các quan chức FED đã thống nhất quan điểm sẽ không cần thiết phải cắt giảm lãi suất. Thị trường hiện đánh giá hiện có 65% khả năng cơ quan này cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng không sinh lời.
Theo nghiên cứu từ đơn vị Antaike, giá vàng thế giới vốn đã đạt được mức tăng mạnh trong năm nay và sẽ tăng hơn nữa nhờ triển vọng nhu cầu mạnh mẽ của Trung Quốc cộng với những bất ổn vĩ mô.
Bà Michele Schneider, chuyên gia thị trường tại marketgauge.com, phân tích với Kitco News: “Lạm phát dai dẳng ở một số lĩnh vực nhất định đã làm thị trường biến động đáng kể. Nhiều nơi vẫn còn đấu tranh với lạm phát, trong khi một số nơi khác lại chuyển sang giảm phát. Tính hai mặt này sẽ là bài toán hóc búa cho FED để đưa ra chính sách tiếp theo".
Theo báo cáo mới nhất, nợ công của Mỹ ở mức xấp xỉ 32 nghìn tỉ USD, với khoản thanh toán lãi hàng năm gần 500 tỉ USD. Dữ liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của các quyết định chính sách tài chính. Báo cáo gần đây cho thấy, giá tiêu dùng tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước phản ánh sự phức tạp đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ. Sự gia tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng cho thấy áp lực lạm phát tại Mỹ vẫn tồn tại, thách thức cả các nhà hoạch định chính sách lẫn thị trường trong việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.