Mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo lãi suất huy động. Tuy có độ trễ, nhưng so với đầu năm nay, lãi vay đã giảm 2-3%/năm, thậm chí một số ngân hàng giảm đến 4%/năm đối với doanh nghiệp có sức khỏe tốt, đáp ứng đầy đủ điều kiện tín dụng.
Bên cạnh đó, để kích thích tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng thương mại đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Đơn cử như, Sacombank đang có gói tín dụng 30.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 7,5%/năm cho sản xuất kinh doanh và 9%/năm vay tiêu dùng; gói tín dụng 11.000 tỉ đồng với lãi suất từ 6,2%/năm cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng hành cùng khách hàng cá nhân, OCB đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2,5%/năm và triển khai 8 gói lãi suất kích cầu cùng nhiều lựa chọn ưu đãi tùy vào nhu cầu của từng đối tượng khách hàng, mức lãi suất chỉ từ 6,5%/năm cho sản xuất - kinh doanh, 7,5%/năm cho vay mua nhà. Với ưu đãi lãi suất, kỳ vọng tín dụng cá nhân sẽ tăng mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.
Với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, OCB liên tục triển khai các gói hỗ trợ lãi suất như giảm đến 2,5%/năm khi vay USD; gần đây nhất là gói ưu đãi lãi suất VND chỉ từ 6,99%/năm cho các khoản vay có kỳ hạn ngắn từ 3 tháng trở xuống và từ 7,99%/năm cho các khoản vay từ 6 tháng trở lên, với tổng hạn mức chương trình đến 2.400 tỉ đồng, triển khai từ nay đến hết 31.10.2023.
Dẫu vậy, ghi nhận của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6 và sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm đáng kể so với cùng thời điểm năm 2022 (mức tăng là 9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế. Tín dụng tăng thấp hơn so cùng kỳ năm trước phản ánh khó khăn chung về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Vấn đề của doanh nghiệp hiện nay là sức mua yếu trước bối cảnh thị trường khó khăn nên họ cũng chưa mặn mà với việc vay vốn kinh doanh. Còn với khách hàng cá nhân, kinh tế khó khăn tác động lên thu nhập và chi tiêu, song cầu vốn mua nhà của cá nhân vẫn có.
Theo thông tin từ đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nhiều doanh nghiệp muốn vay tiền kinh doanh, mở rộng quy mô sản xuất, nhưng kinh tế khó khăn, họ chưa tìm thấy cơ hội làm ăn, chưa tìm thấy các đơn hàng, nên chưa mặn mà với vay vốn. Ngược lại, một số doanh nghiệp muốn vay nhưng thiếu tài sản đảm bảo, vướng nợ xấu, nên khó đáp ứng điều kiện tín dụng.
Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc khối đầu tư DGcapital cho rằng việc giảm lãi suất sẽ giảm áp lực cho những người cần vốn. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, những doanh nghiệp tốt mà ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn lại không muốn vay. Trong khi đó, nếu giảm lãi suất quá nhanh, sẽ thu hẹp chênh lệch lãi suất trong nước và quốc tế, nhất là với lãi suất USD, áp lực lên tỉ giá là khó tránh.
Để chính sách tiền tệ tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, vẫn cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan về tài chính, thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh… Điều này sẽ tạo những hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực đối với các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
Theo đó, cầu tín dụng sẽ tăng khi các hoạt động này được cải thiện và tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng sẽ là các lĩnh vực sẽ phục hồi tốt hơn nếu phát huy các giải pháp đồng bộ.