Nợ xấu tăng vọt
Nợ xấu trong thời gian qua tăng mạnh khiến các ngân hàng ồ ạt thanh lí tài sản đảm bảo. Tất tật từ biệt thự, siêu xe, đất vàng trên phố cổ Hà Nội, cho đến nhà máy thuỷ điện, khu công nghiệp, trang trại gà… đều được phát mại để thu hồi nợ.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ GDP/tín dụng ở mức cao.
Trong đó, thu nhập từ lãi của hoạt động cho vay là một thu nhập trọng yếu và kèm theo đó, rủi ro của hệ thống ngân hàng cũng không nhỏ.
Nợ xấu tăng làm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu tăng cao. Nợ xấu tăng lên mức 1,93%. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nợ nhóm 3 sẽ nhảy rất nhanh.
Khảo sát tại Báo cáo tài chính quý I/2023 của 28 ngân hàng, có tới 7 ngân hàng để tỉ lệ nợ xấu nội bảng vượt ngưỡng 3%. Tổng nợ xấu của 28 ngân hàng này cũng tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng.
“Rủi ro tăng lên khi thị trường bất động sản đóng băng vì lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, chưa tính đến khoảng 4% dư nợ trái phiếu sở hữu ngoài hệ thống tín dụng” - chuyên gia của Vietnam Report nhận định.
Lo ngại suy thoái toàn cầu, tín dụng giảm mạnh
Hiện tín dụng tăng trưởng 6 tháng đầu năm ở mức thấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV - cho biết:
“Giai đoạn này nền kinh tế rất khó khăn, ngành ngân hàng bị ảnh hưởng không nhỏ. Thông thường các doanh nghiệp gặp khó khăn trước và tác động đến ngân hàng đến sau từ 3 - 6 tháng. Hiện các doanh nghiệp khó khăn khi đơn hàng xuất khẩu giảm, sản xuất trong nước giảm, nhu cầu tín dụng đầu năm giảm theo. Trong khi ngân hàng là đơn vị trung gian. Người dân đến gửi tiền là phải nhận. Nếu không cho vay ra được thì ngân hàng sẽ thua lỗ vì vẫn phải trả lãi cho người dân. Chúng tôi mong muốn được cho vay”.
Theo báo cáo của Vietnam Report, một trong những lo ngại của ngành ngân hàng là tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp và có rủi ro suy thoái. Thương mại toàn cầu giảm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2023, dẫn đến giảm cầu tín dụng; đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế đều suy yếu.
“Điều kiện kinh tế suy giảm khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, kéo theo tỉ lệ vỡ nợ cao hơn, tăng rủi ro vỡ nợ cho vay với các ngân hàng. Đồng thời, những yếu tố này có thể ảnh hưởng xấu đến giá trị tài sản thế chấp mà các ngân hàng nắm giữ, chẳng hạn như bất động sản hoặc cổ phiếu, dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản, làm xói mòn bộ đệm vốn và hạn chế khả năng cho vay” - chuyên gia nhận định.
Lạm phát liên tục hạ nhiệt xuống dưới 3% so với cùng kì năm trước. Mức này thấp hơn nhiều so với trần 4,5% của NHNN nhờ giá năng lượng thế giới hỗ trợ và lạm phát lương thực trong nước được xoa dịu.
Chuyên gia HSBC dự báo lạm phát năm 2023 xuống 2,6% (thấp hơn nhiều so với con số 4,0% mà HSBC dự báo trước đó).
Diễn biến của cặp tỉ giá USD-VND vẫn cần theo dõi sát sao vì FED nhiều khả năng chưa hoàn tất chu kì thắt chặt. “Bất chấp đồng USD mạnh lên gần đây, đồng VND vẫn duy trì tương đối ổn định nhờ tình hình tài khoản vãng lai được cải thiện” - chuyên gia HSBC nhận định.