Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết vào hôm thứ Sáu tuần trước rằng, sự không chắc chắn lớn nhất đối với thị trường năng lượng toàn cầu là mức độ phục hồi của Trung Quốc sau khi đóng cửa kéo dài.
Theo nhận định của ông Birol với CNBC tại Hội nghị An ninh Munich, các thị trường dầu mỏ đang “cân bằng”. Nhưng các nhà sản xuất đang chờ tín hiệu về nhu cầu sắp tới từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất.
“Đối với tôi, câu trả lời lớn nhất cho thị trường năng lượng trong những tháng tới là Trung Quốc” - ông Birol nói, đồng thời lưu ý đến sự sụt giảm lớn về nhu cầu dầu khí của đất nước này trong thời gian phong tỏa do đại dịch.
Trong báo cáo thị trường dầu hàng tháng được công bố ngày 15.2 vừa qua, cơ quan năng lượng dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2023, với Trung Quốc chiếm một phần đáng kể trong mức tăng dự kiến.
IEA cũng lưu ý, việc giao dầu dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày lên 7,2 triệu thùng/ngày trong suốt năm 2023, với tổng nhu cầu đạt mức kỷ lục 101,9 triệu thùng/ngày.
“Nếu đó là một sự phục hồi mạnh mẽ, các nhà sản xuất dầu có thể cần phải tăng sản lượng của họ. Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phục hồi. Lợi thế này mạnh đến mức nào sẽ quyết định động lực của thị trường dầu khí” - vị lãnh đạo IEA cho biết.
Người đứng đầu IEA cho hay, các nước OPEC+ cũng như các quốc gia sản xuất dầu lớn khác như Mỹ, Brazil và Guyana sẵn sàng tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đó nếu cần.
Khi được hỏi liệu Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Tổng thống Joe Biden - với gói tài trợ nhằm khuyến khích năng lượng sạch - có thể cản trở việc tăng sản lượng ở Mỹ hay không, Birol cho hay, điều này khó xảy ra.
“Tôi nghĩ nó nằm ngoài chính sách của chính phủ. Có rất nhiều, rất nhiều tiền đã kiếm được” - ông nói và trích dẫn lợi nhuận kỷ lục của các công ty dầu khí toàn cầu trong năm qua.
Birol nhấn mạnh rằng, IRA đang đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, một lần nữa ca ngợi đây là “hành động khí hậu quan trọng nhất kể từ thỏa thuận Paris năm 2015”.
Người đứng đầu IEA cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu (do xung đột Nga -Ukraine) đang “thúc đẩy” quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Ông hy vọng các quốc gia và khu vực khác sẽ sớm công bố các gói đầu tư năng lượng sạch tương tự.
“Tôi chắc chắn rằng sớm muộn thì châu Âu cũng sẽ có một gói năng lượng tương tự. Chúng ta đang bước vào một thời đại công nghiệp mới: thời đại của sản xuất công nghệ năng lượng sạch. Đó sẽ là các từ khóa cho những năm tiếp theo” - ông Birol nhận xét, đề cập đến công nghệ năng lượng gió, mặt trời và năng lượng hạt nhân.