Sang nhượng giá rẻ
Không khó để bắt gặp những thông tin sang nhượng trung tâm thể hình, phòng gym trên các trang mạng xã hội. Với nhiều lý do khác nhau như khó khăn tài chính, chuyển đổi kinh doanh, nhiều người muốn “bỏ của chạy lấy người”, sang nhượng với mức giá rẻ.
Cụ thể, một tài khoản có tên D.Q chia sẻ do tài chính khó khăn, buộc phải sang nhượng phòng gym có tổng diện tích lên tới 400 m2. Người này cho biết phòng đã được trang bị các dòng máy móc hiện đại, đầy đủ trang thiết bị, chỉ việc đi vào vận hành.
Ngoài ra, nhiều trung tâm thể hình ở vị trí đắc địa cũng đồng loạt rao bán. Đơn cử như phòng tập G.P, là một trong những địa điểm tập thể hình quen thuộc ở khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Từ Liêm… gần với nhiều điểm trường đại học lớn như Bưu chính Viễn thông, Kiến Trúc, đại học Hà Nội… cũng được đăng tải sang nhượng.
Chủ phòng gym này cho biết, cơ sở được trang bị 100% thiết bị Impulse nhập khẩu, hiện đại, kèm theo đó là không gian rộng rãi, 2 tầng với tổng diện tích 300m2. Mức giá người này mong muốn là hơn 750 triệu đồng.
Theo khảo sát của PV, tại các website đăng tải thông tin sang nhượng, bên cạnh các phòng tập thể hình, nhiều trung tâm fitness, yoga cũng đồng loạt rao bán. Nhiều địa điểm được định giá từ 350 triệu đến gần 3 tỉ đồng. Trên thực tế, giá sang nhượng sẽ phụ thuộc vào vị trí, diện tích và cơ sở vật chất đi kèm.
Thu không đủ chi
Từ đầu tháng 11, Hà Nội đã cho phép hoạt động các phòng tập luyện thể dục thể thao trong nhà nhưng công suất chỉ được tối đa 50%, không quá 30 người trong cùng một thời điểm. Bên cạnh đó, để đảm bảo hiệu quả phòng dịch, kế hoạch của thành phố yêu cầu huấn luyện viên, người tham gia đều phải đáp ứng điều kiện đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Mặc dù đã được nới lỏng, các phòng tập "rục rịch" đi vào hoạt động, song tâm lý của những người kinh doanh vẫn không khỏi lo ngại trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Anh Hải Anh, chủ một phòng gym trên địa bàn quận Hà Đông cho biết để duy trì hoạt động, trung bình mỗi tháng phòng gym của anh phải chi trả gần 100 triệu đồng. Khoản tiền này bao gồm chi phí mặt bằng, tiền điện nước và tiền lương cho nhân viên. Trong khi đó, dù được mở cửa trở lại nhưng tâm lý người tập vẫn còn rất e ngại, đặc biệt thời điểm này bắt đầu màu đông, được xem là mùa thấp điểm trong dịch vụ kinh doanh phòng tập.
“Dù đã nới lỏng các hoạt động, nhưng ca mắc trong cộng đồng vẫn nhiều, vì vậy tâm lý họ vẫn rất dè chừng. Phòng tập chỉ có nguồn thu nhờ vào hoạt động bán vé tháng, số lượng người mua vé theo quý, theo năm không nhiều, gần như là không có”, anh Hải Anh cho hay.
Cũng trong trường hợp tương tự, ông Nguyễn Bình (Chủ phòng tập tại Phùng Khoang, Hà Đông) – người đăng tải nội dung rao bán phòng tập, cho rằng việc dừng kinh doanh thời điểm này là điều dễ hiểu. Doanh thu không đáp ứng được các nguồn chi, chưa nói các chủ phòng tập gần như không có lợi nhuận, phải bỏ thêm tiền tích lũy để “gánh” theo nhiều khoản phí.
“Kinh doanh phòng gym thời điểm này rất áp lực, khi có dịch, phòng gym luôn đóng cửa sớm nhất, sau đó là mở lại muộn nhất. Để có duy trì hoạt động đến thời điểm này, tôi đã dùng tiền tích lũy của nhiều năm, vay mượn người thân, bạn bè. Giờ tôi buộc phải sang nhượng vì nguồn thu không đủ chi", ông Bình chia sẻ.