Mùa nắng, thủy điện khống chế nước, gây khô hạn, nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt. Mùa mưa, xả nước gây lũ lụt. Người chết, hoa màu, nhà cửa ở hạ du bị thiệt hại nặng nề. Lũ chồng lũ.
Thủy điện mang lại lợi ích kinh tế, an ninh năng lượng nhưng không thể che khuất mặt trái của những túi nước khổng lồ. Thủy điện nhỏ, nhưng luôn tiềm ẩn gây nguy cơ lớn cho cộng đồng và môi trường...
Phát triển nóng thủy điện, hệ lụy không thể khắc phục
Địa hình có độ dốc lớn, nhiều sông suối, miền núi Quảng Nam có tiềm năng rất lớn về thủy điện. Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, hiện có không dưới 42 dự án thủy điện đã được triển khai. Quảng Nam từng trải thảm đỏ mời các doanh nghiệp đầu tư thủy điện. Chính sự dễ dãi trong việc cấp phép đã đánh cược sự an nguy của người dân trước những hiểm họa khôn lường.
Thủy điện Đắk Mi4, huyện Phước Sơn là một trong những công trình như vậy. Năm 2007, thủy điện này chặn dòng sông Đắk Mi, tích hơn 500 triệu mét khối nước để phát điện. Lẽ ra, Đắk Mi4 phải trả nước lại dòng cũ sau nhà máy. Nhưng thủy điện này đã dẫn nước sang sông Thu Bồn để tận dụng độ chênh lệch cao, khai thác tối đa hiệu quả phát điện. Hàng triệu mét khối nước của sông Đắk Mi đã bị chuyển sang sông Thu Bồn, khiến Đắk Mi thành dòng sông chết.
Vi phạm nghiêm trọng về luật tài nguyên nước, nhưng quan trọng hơn là làm trái quy luật tự nhiên và cả khoa học, gây hệ lụy nghiêm trọng cho hạ du. Đã nảy sinh kiện tụng, tranh giành nguồn nước từ 2 địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam. Tuy vậy, vụ việc chưa có kết quả.
Vì cắt tiệt nguồn cung của sông Đắk Mi - thượng nguồn chính của dòng Vu Gia, nên hậu quả là người dân Đà Nẵng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Suốt gần 1 thập niên qua, hơn 1 triệu dân Đà Nẵng phải đối mặt với thiếu nước, nhiễm mặn. Có năm, nguồn nước của nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn suốt 10 tháng. Riêng 2 tháng hè 2018, nguồn nước liên tục bị nhiễm mặn, có lúc độ mặn gấp 7 lần mức quy chuẩn cho phép.
Chưa bao giờ, người dân Đà Nẵng gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt như hiện nay. Chính quyền Đà Nẵng nhiều lần kêu cứu đến Bộ TNMT, Chính phủ và cảnh báo các thủy điện nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.
Sông cạn - một vùng đồng bằng rộng lớn của Quảng Nam cũng điêu đứng. Đây là hệ quả tất yếu do các thủy điện độc quyền sử dụng nguồn nước. Mùa nắng thì hàng vạn nông dân 2 bên sông Vu Gia thiếu nước để sản xuất. Con số 300.000 héc ta đất nông nghiệp thiếu nước, đất đai bỏ hoang chưa phải là cuối cùng nếu như giải pháp cứu hạn từ gốc không được giải quyết. Sông kiệt nước, dường như những người nông dân cũng kiệt sức.
Tại nhiều dự án thủy điện khác, người dân còn lâm cảnh khiếu kiện vì liên quan đến thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ vùng lòng hồ... chưa minh bạch. Tháng 9.2016, người dân làng Pà Oi, xã La Êê, huyện Nam Giang đã qua cơn thất kinh hồn vía tương tự nhân dân Attapeu, Lào đang gánh chịu, khi thủy điện sông Bung 2 vỡ hầm dẫn dòng. Chỉ 26 triệu mét khối nước tuôn ra khỏi đập, tương đương 1/10 dung tích của hồ sông Bung 2, nhưng đã tạo ra cơn lũ dữ nhấn chìm nhiều ngôi làng thuộc xã La Êê và xã Zuôih. Hàng nghìn người dân ở hạ du như huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn và Hội An hoảng sợ và sơ tán ngay trong đêm.
Loại bỏ gần 10 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, đã có thời gian Việt Nam nóng vội phát triển thủy điện, nên gặp nhiều bất cập. Chính vì vậy nên đã để lại những hệ quả lâu dài, đến bây giờ vẫn phải khắc phục.
Những năm gần đây, Quảng Nam đã nhiều lần rà soát lại các thủy điện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin phép giảm các dự án thủy điện lại và không phát triển thêm. Có ít nhất 7-8 thủy điện bị loại khỏi quy hoạch vài năm gần đây.
Ông Thanh cũng thừa nhận, việc phát triển dày đặc các nhà máy thủy điện ở miền Trung trong thời gian ngắn còn bộc lộ nhiều yếu điểm, chủ quan và thiếu tính bền vững, kể cả các cơ sở pháp lý cũng chưa đồng bộ, chặt chẽ. Miền Trung địa hình dốc núi cao, muốn ngăn được hồ chứa có dung tích lớn thì phải xây đập cao. Đã vậy, những thiết kế lại không được thẩm định các yếu tố liên quan đến môi trường. Nhiều thủy điện không có cống xả đáy, xả bù cát, hồ chứa không thiết kế dung tích phòng, cắt lũ.
Chưa kể các phương án vận hành liên hồ chứa, vận hành các mùa khô hạn, lũ lụt... đều thiếu và phải từng bước xây dựng hoàn thiện sau khi các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, gây tác hại đến môi trường, cộng đồng.
Tuy vậy, ông Thanh cũng trấn an, người dân không nên quá lo lắng, vì ngoài 6 nhà máy thủy điện lớn là Sông Tranh 2, Đắk My 4; A Vương, Sông Bung 2, 4, 6 nằm gần hạ lưu, xây dựng kiên cố, thì các dự án thủy điện bậc thang khác đều ở thượng nguồn. Phần lớn các dự án này không có hồ chứa hoặc dung tích không đáng kể. Nếu có sự cố thì lượng nước cũng quá nhỏ, các thủy điện lớn ở hạ lưu thừa sức hứng, đựng.
Mặc dù vậy, việc siết chặt quản lý, vận hành nghiêm ngặt vẫn là yếu tố hàng đầu đặt ra đối với các nhà máy thủy điện tại Quảng Nam. Đối với các dự án đang xây dựng phải kiểm định nghiêm ngặt, thực hiện các quy trình đảm bảo an toàn tuyệt đối, tránh trường hợp xảy ra sự cố như vỡ đường ống dẫn đáy của thủy điện Sông Bung 2, rò rỉ nước qua thân đập ở Sông Tranh 2 như trước đây.