Tăng trưởng tín dụng yếu - mức hấp thụ vốn của doanh nghiệp chững lại
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại rất dồi dào, không thiếu vốn.
Tính đến ngày 28.3.2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,17% so với cùng kì năm 2022.
Ông Lê Thanh Tùng nhận định: “Tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ tăng 2%. Trong khi cùng kì là 5% chứng tỏ mức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại. Nguy cơ suy giảm kinh tế đang tác động đến các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thu hẹp đơn hàng sản xuất, chi phí vốn tăng cao. Người dân thu nhập suy giảm, ảnh hưởng đến năng lực tài chính. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của ngân hàng”.
Từ cuối tháng 2, nhiều ngân hàng liên tiếp công bố giảm lãi suất và tung ra các gói tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỉ đồng để "kích cầu".
Thế nhưng, theo số liệu thống kê, số lượng các doanh nghiệp giải thể, phá sản đang nhiều hơn đáng kể so với doanh nghiệp thành lập mới. Điều này minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tăng trưởng toàn nền kinh tế chậm lại trong quý I, nguyên nhân quan trọng là xuất khẩu giảm 20%. Tín dụng của hệ thống ngân hàng chậm là do sản xuất kinh doanh khó khăn, không có đầu ra, đơn hàng giảm, thị trường thu hẹp. Đối với nhóm này, tháo gỡ khó khăn là tháo gỡ khó khăn đầu ra, mở rộng thị trường tiêu thụ, chứ không phải là vấn đề tín dụng.
Ngân hàng đang đối mặt rủi ro tín dụng
Bàn về những thách thức rủi ro mà ngành ngân hàng phải đối mặt, ông Lê Thanh Tùng nhận định “Năm 2022, ngành ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, lãi suất, rủi ro danh tiếng khi trái phiếu và bảo hiểm. Sang đến năm 2023, ngân hàng đối mặt với rủ ro trọng yếu nhất trong hoạt động là rủi ro tín dụng. Khi các doanh nghiệp suy giảm chất lượng nợ thì ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, thoái lãi dự thu, rủi ro an ninh phòng giao dịch, trộm cướp phát sinh, gian lận nội bộ, tấn công mạng…”.
Theo ông Tùng, với đặc thù hệ thống ngân hàng là nơi cung ứng vốn lớn của nền kinh tế thì thu nhập từ lãi và hoạt động cho vay là trọng yếu. Do vậy khi chất lượng nợ suy giảm, kinh tế suy giảm thì các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro, đối với các ngân hàng thận trọng phải tăng tỉ lệ bao phủ nợ xấu.
Hàng loạt chính sách gỡ khó
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường.
Phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất.
Đánh giá về các nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, ông Lê Thanh Tùng cho biết: "Thời gian qua, hệ thống ngân hàng gặp khó khăn nhưng chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có các biện pháp kịp thời. Thông qua việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng thanh khoản, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, giảm lãi suất điều hành hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực tham gia hỗ trợ cho thị trường bất động sản thông qua gói 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội, cho vay người thu nhập thấp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu…Thông tư 02 không chỉ giúp doanh nghiệp và còn giúp cho ngân hàng giãn thời hạn trích lập dự phòng, giúp quá trình hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn".