Còn lượng lớn trái phiếu đáo hạn
Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp phát hành 328.900 tỉ đồng trái phiếu, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng phát hành quý I, quý II, quý III lần lượt là 134,8 nghìn tỉ đồng; 122,4 nghìn tỉ đồng và 65,9 nghìn tỉ đồng. Riêng tháng 10.2022, giá trị trái phiếu phát hành chỉ còn 5.800 tỉ đồng.
Doanh nghiệp phát hành chủ yếu thuộc về ngành ngân hàng và bất động sản. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ, với tỉ lệ 46,48% có tài sản đảm bảo và 53,52% không có tài sản đảm bảo. Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn khoảng 152,5 nghìn tỉ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Và đến cuối năm 2022 còn hơn 61.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đáo hạn.
Vào ngày 23.11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp phát hành lớn trên thị trường TPDN và một số công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tư vấn phát hành TPDN, có thị phần môi giới lớn để trao đổi về tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu.
Lãnh đạo Bộ Tài chính sau cuộc họp cho biết sẽ tổng hợp ý kiến và có cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm củng cố niềm tin của thị trường, đưa thị trường tiếp tục phát triển một cách bền vững.
Bên cạnh đó là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.
Cần thanh toán đầy đủ, đúng hạn
Ngày 29.11, phía Bộ Tài chính cho biết, đã có văn bản gửi các doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Theo đó, để đảm bảo ổn định thị trường, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.
“Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, doanh nghiệp chủ động có kế hoạch làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán gốc, lãi trái phiếu phù hợp, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; không gây mất trật tự xã hội. Các hành vi vi phạm tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật” - phía Bộ Tài chính cho biết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành tuân thủ chế độ công bố thông tin về phát hành TPDN riêng lẻ theo quy định. Thời gian vừa qua, thị trường xuất hiện nhiều thông tin không chính thống về các doanh nghiệp phát hành mà không xuất phát từ chính doanh nghiệp. Bộ Tài chính theo đó đề nghị các doanh nghiệp chủ động, kịp thời cung cấp thông tin để nhà đầu tư có thông tin chính thống về hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, xem xét sử dụng dịch vụ kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, định giá tài sản để đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh, tài chính của doanh nghiệp và công bố kết quả cho các nhà đầu tư để hiểu tình hình của doanh nghiệp.
Trước đó, trong cuộc họp với Bộ Tài chính, ông Nguyễn Vũ Long - Tổng Giám đốc VNDIRECT cho rằng, nút thắt lớn nhất hiện nay đối với thị trường trái phiếu là dòng vốn thanh khoản của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn điều quan trọng nhất là phải duy trì thanh khoản để các doanh nghiệp có dòng vốn lưu thông từ đó mới có thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một ý kiến doanh nghiệp khác cũng nêu ra, điều doanh nghiệp mong muốn từ phía cơ quan chức năng không phải hỗ trợ bằng tiền mà cần hỗ trợ bằng việc giải quyết các hồ sơ pháp lý cho các dự án, đặc biệt là các dự án bất động sản để các nhà đầu tư có thể đưa sản phẩm ra thị trường sớm, có điều kiện bán được với giá rẻ và thu hồi vốn, thực hiện việc trả nợ trái phiếu cho các nhà đầu tư đúng hạn.