Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 9.2023 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%).
Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 9 tháng năm 2023 giảm 15,26% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu hỏa giảm 11,26%, giá gas giảm 10,21%. Đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát trong khu vực. Nhờ đó, nước ta có thể giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Nhóm chuyên gia từ Công ty Chứng khoán BSC đánh giá bức tranh kinh tế vĩ mô đang cải thiện dần. Lạm phát và tỷ giá tăng vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhưng đang theo hướng kém tích cực, qua đó thu hẹp dư địa các chính sách hỗ trợ.
Theo Ngân hàng UOB, lạm phát đã tăng cao hơn trong những tháng gần đây dẫn tới rủi ro áp lực tăng giá tiêu dùng có thể đè nặng trong thời gian. Giá thực phẩm và năng lượng khả năng tiếp tục leo thang khi các nhà sản xuất dầu thô chủ chốt trên thế giới cắt giảm sản lượng, xung đột Nga - Ukraina vẫn căng thẳng và những thay đổi về khí hậu/thời tiết.
UOB giữ nguyên dự báo lạm phát của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, tức đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%.
Nhận định từ bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê, từ nay đến cuối năm có thể yên tâm kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Bà Oanh kiến nghị một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới. Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Thứ hai, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đặt biệt là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Cùng với đó, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
"'Còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm. Do đó, cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.
Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và vĩ mô khác để đạt mục tiêu trong năm nay" - bà Oanh nhấn mạnh.