Tiêu hủy, xử lý các lô thực phẩm không rõ nguồn gốc
Khoảng 1 tháng qua, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk liên tục phát hiện, xử lý hàng loạt lô hàng hóa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Cụ thể, ngày 20.11, Đội Quản lý thị trường số 1, thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện giám sát việc buộc tiêu hủy 130kg chà bông thịt heo, 191kg lạp xưởng không rõ xuất xứ.
Lô hàng này do đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra, tạm giữ của hộ kinh doanh Hồng Phát tại địa chỉ phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn tiêu hủy thêm 110kg bánh tráng trộn không ghi rõ nguồn gốc (kiểm tra, tạm giữ của bà Mai Thị Hương, tổ dân phố 5, phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột).
Bên cạnh việc bày bán hàng hóa không nguồn gốc xuất xứ, nhiều hộ gia đình ở TP.Buôn Ma Thuột còn bán thực phẩm, nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định.
Cụ thể, Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk phát hiện bà M.T.H (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) bán hơn 100kg thực phẩm là bánh tráng trộn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trên bao bì không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện cơ sở này hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Trường hợp bà H bị lập biên bản xử phạt hành chính 11,5 triệu đồng.
Tăng cường truy quét, xử lý
Ông Mai Mạnh Toàn - Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk thông tin, trong những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024, đơn vị sẽ tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá...
Lực lượng chức năng sẽ tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho người dân. Song song với đó, các đơn vị cũng tiến hành kiểm tra thêm các mặt hàng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại thuốc bảo quản trái cây như sầu riêng và các loại cho cây ăn trái khác.
Theo ông Toàn, hiện nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm bẩn hoạt động rất tinh vi, có nhiều chiêu trò trốn tránh, che dấu khi bị kiểm tra, vì vậy, Cục quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cần sự phát hiện và tố giác của người dân trên địa bàn về sản phẩm và các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm.