Siết chặt quản lý thuế
Việc xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 123/2020 về hóa đơn, chứng từ. Hiểu đơn giản, là sau mỗi lần bán, cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều phải xuất hóa đơn ngay thay vì để dồn đến cuối ngày mới xuất 01 hóa đơn cho tất cả các khách lẻ trong ngày.
Song thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vẫn chậm trễ trong việc xuất hóa đơn điện tử. Lý do được nêu ra là do lượt khách đổ xăng trong ngày rất lớn, nhu cầu lấy hóa đơn của người dân thấp, việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốn nhiều chi phí, đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa lựa chọn được nhà cung cấp...
Để đảm bảo chống gian lận thuế, tại Công điện số 1284, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phải lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện sẽ bị kiểm tra, xử lý.
Thống kê cho thấy, bình quân mỗi năm cả nước tiêu thụ xấp xỉ 20,5 - 21 triệu m3/tấn xăng dầu. Ước tính, số hóa đơn sẽ phải xuất ra mỗi lần bán lẻ có thể lên tới hàng chục triệu hóa đơn, thậm chí cả trăm triệu hóa đơn mới phát hành mỗi tháng.
Cần thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị
Trao đổi với báo Lao Động, luật sư Phạm Ba Đô (Công ty Luật TNHH SJKLaw) cho biết, Điểm i Khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.7.2022 quy định rõ thời điểm xuất hóa đơn điện tử đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ (cây xăng) là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán.
Theo ông Đô, yêu cầu của Chính phủ là hợp lý trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính cũng như chuyển đổi số. Việc siết chặt hóa đơn, chứng từ là một biện pháp rất hữu ích để phần nào để giải bài toán chống thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách thiết thực, đi vào đời sống, cần phải lưu tâm tới một số yếu tố.
Thứ nhất, ngành xăng dầu đang gặp không ít khó khăn, kéo theo không ít doanh nghiệp, đại lý xăng dầu phải đóng cửa, nghỉ kinh doanh. Do đó, cần có một giai đoạn “chạy đà”, nghĩa là cần cho các doanh nghiệp một quãng thời gian để chuẩn bị xây dựng cơ sở vật chất, sắm trang thiết bị, cân đối nguồn vốn. Về vấn đề này, các công ty công nghệ cũng có thể hỗ trợ một phần chi phí cho các doanh nghiệp xăng dầu hoặc có chính sách ưu đãi.
"Đây là điều tiên quyết trong việc áp dụng xuất hóa đơn từng lần đối với cửa hàng xăng dầu chính là phải có lộ trình cụ thể để pháp luật có thể đi vào đời sống dễ dàng nhất, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay" - luật sư Phạm Ba Đô cho hay.
Thứ hai, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với ngành xăng dầu, bởi lẽ đây là một trong những ngành nghề đặc thù, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân hàng ngày. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin để doanh nghiệp có thể theo đó triển khai công nghệ mới đi kèm giải pháp phù hợp với yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
Ngoài ra, cần có thêm các quy chuẩn đặc tả dữ liệu để thực hiện kết nối với hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trụ bơm xăng dầu (máy tính tiền, máy bán hàng). Đặc biệt, cần có quy trình từ Tổng Cục Thuế về quá trình thực hiện hóa đơn điện tử theo lần.
Yếu tố thứ ba được luật sư Phạm Ba Đô đặt ra là công nghệ. Theo đó, cần phải đảm bảo hạn chế tối đa sự cố trong khâu vận hành. Chẳng hạn, nếu chỉ chậm trễ một vài phút xuất hóa đơn trong trường hợp khách yêu cầu, gần như chắc chắn khu vực cây xăng sẽ tắc nghẽn, kéo theo ách tắc giao thông - đặc biệt vào những khung giờ cao điểm tại các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM. Chính khách hàng cũng sẽ cảm thấy mất thời gian hơn bình thường nếu chờ một trường hợp như vậy.
Yếu tố cuối cùng, đó là cần nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm của chính người dân khi mua hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP.