Như báo Lao Động đã đưa tin, Tổng cục Đường bộ đã thành lập đoàn thanh tra để làm rõ doanh thu thực của BOT TPHCM - Long Thành - Dầu Giây trước nghi ngờ của dư luận.
Sáng 22.2, trao đổi với PV Báo Lao Động, một đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam là thành viên trong đoàn thanh tra cho biết, đoàn sẽ thực hiện thanh tra trong 5 ngày và bước đầu đã có kết quả của doanh thu trong ngày đầu kiểm tra.
Theo đó, trong ngày đầu tiên kiểm tra tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, các thành viên trong đoàn đã ghi nhận được 39.000 phương tiện lưu thông và số tiền thu được trên toàn tuyến là 3,3 tỉ đồng/ngày.
Hiện đoàn thanh tra của Tổng cục đường bộ tiếp tục xác định số lượng phương tiện và doanh thu thực tại tuyến cao tốc này trong các ngày tiếp theo và sẽ có tổng kết cụ thể về doanh thu thực tế trong 5 ngày kiểm tra.
Theo nguồn tin của PV báo Lao Động, Đoàn thanh tra đột xuất này có sự tham gia của các vụ chuyên ngành thuộc Tổng cục đường bộ Việt Nam như: Vụ Pháp chế - Thanh tra, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghê, Vụ Môi trường và Quan hệ quốc tế,... Ngoài ra, Tổng cục đường bộ còn mời cả Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cùng vào cuộc.
Theo quyết định kiểm tra đột xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đợt kiểm tra này sẽ kéo dài trong 5 ngày kể từ ngày 18.2. Phạm vi kiểm tra gồm: Công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ TPHCM - Dầu Giây.
Việc kiểm tra được các thành viên trong đoàn thực hiện theo quy trình là kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ về lượng phương tiện và doanh thu. Đồng thời, kiểm tra về phần mềm thu phí và công nghệ thông tin để đối chiếu doanh thu thực tế với doanh thu báo cáo.
Được biết, sau khi xảy ra vụ cướp 2,2 tỉ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây, dư luận đã đặt ra nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động thu phí và số tiền thu thực tế có thể cao hơn so với số tiền báo cáo.
Chính vì sự nghi ngờ này của dư luận, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã quyết định lập đoàn kiểm tra đột xuất công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí này.