Ùn ùn nuôi vì ít rủi ro, siêu lợi nhuận
Nếu trước năm 2017, tỉnh Cà Mau chưa tới 3.000ha nuôi theo mô hình này, thì đến đầu năm 2021, có đến trên 10.000ha được thực hiện mô hình siêu thâm canh. Tại Bạc Liêu hiện nay diện tích nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh lên đến trên 11.000ha; diện tích nuôi theo mô hình siêu thâm canh mật độ cao lên đến 2.250ha.
Điều đặc biệt là, trước đây chỉ có các doanh nghiệp mới thả nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh và siêu thâm canh, nhưng hiện nay, hộ dân cũng thả nuôi theo mô hình này.
Ông Nguyễn Minh Luân, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau là một trong những hộ đi đầu trong nuôi tôm siêu thâm canh tại địa phương.
Ông Luận phân tích: "Nuôi thâm canh tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30-40%. Nuôi siêu thâm canh tỷ lệ thành công cao gấp 2 lần nuôi thâm canh. Trung bình người nuôi tôm có thể đạt năng suất 60-70 tấn/ha/năm. Cá biệt, có những hộ nuôi đạt khoảng 100 tấn/ha/năm. Với mức giá như hiện nay, lãi không dưới 1 tỉ đồng".
Ngoài Phú Tân, hiện mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang phát triển mạnh tại huyện Cái Nước, có 275 hộ dân nuôi tôm siêu thâm canh với diện tích khoảng 400ha, đạt sản lượng trên 1.300 tấn. Ông Đoàn Văn Chính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho biết: Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh của huyện chỉ chiếm khoảng 1% diện tích nhưng chiếm đến 5% sản lượng tôm địa phương. Mô hình đã góp phần quan trọng giúp tăng sản lượng tôm của địa phương.
Về hiệu quả của mô hình siêu thâm canh mật độ cao, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu phân tích: “Năm 2020, diện tích của mô hình thâm canh, bán thâm canh trên 11.000 nhưng sản lượng đạt 46.600 tấn, trong khi đó mô hình nuôi siêu thâm canh chỉ 2.200ha cho sản lượng đến trên 48.000 tấn. Điều này chứng tỏ mô hình siêu thâm canh mật độ cao góp phần đáng kể nâng sản lượng, chất lượng tôm nuôi”.
Hệ quả khó lường
Trước thực trạng tăng trưởng nóng đối với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao, ông Tạ Hoàng Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội nuôi tôm Bạc Liêu lo lắng: “Bản thân tôi cũng nuôi, nhưng cũng không có quy hoạch. Nhiều người nuôi quá, trong khi yếu tố môi trường chưa đảm bảo. Việc xả thải ra môi trường nước xung quanh khiến nguồn nước ô nhiễm nặng”.
Ông Nhiệm kiến nghị cần có quy hoạch vùng nuôi, đảm bảo tăng trưởng hợp lý diện tích nuôi, không để người dân tự phát ùn ùn nuôi một cách thiếu kiểm soát.
Đồng quan điểm, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: “Người dân thực hiện các loại hình này cần vốn nhưng trong chính sách vay hiện nay còn những tồn tại khiến người dân rất khó tiếp cận. Ngoài ra, cái khó cơ bản nhất hiện nay mà Cà Mau đang gặp phải là hạ tầng chưa theo kịp thực tế phát triển. Thời gian qua, tuy tỉnh đã được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng các yếu tố rất cần thiết để phát triển ngành tôm như giao thông, điện, đặc biệt là thủy lợi, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề này tỉnh không thể tự đầu tư nên cần được hỗ trợ phát triển, đặc biệt là từ Trung ương”.
Tại Cà Mau, hộ dân muốn triển khai nuôi tôm siêu thâm canh phải đăng ký, hộ nào không đảm bảo điều kiện hay gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hộ nuôi khác tỉnh kiên quyết xử lý. Tại Bạc Liêu cũng có những quy định, nhưng chế tài xử lý những hộ dân tự phát nuôi tôm siêu thâm canh chưa đủ mạnh. Bài toán môi trường cho mô hình nuôi tôm siêu thâm canh vẫn còn treo lơ lửng chưa có lời giải.