Dấu hiệu vi phạm nhiều quy định
Như Báo Lao Động đã phản ánh, mặc dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội, song, những ngày qua tại bến xe Nước Ngầm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có hàng trăm xe tải chở hàng hoá tập kết trái phép tại đây, không đảm bảo các điều kiện giãn cách và an toàn phòng chống dịch.
Trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc tập kết hàng hoá chui tại Bến xe Nước Ngầm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã vi phạm nhiều quy định.
Thứ nhất, vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh bị cấm để phòng chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng và Chỉ thị 17 của UBND TP Hà Nội.
Thứ hai, vi phạm quy định về giãn cách, khi để tập trung đông người, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu để phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, vi phạm các quy định về biện pháp khai báo y tế, sát khuẩn, khiến tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, đối với những hành vi nêu trên, Bến xe Nước Ngầm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 20-40 triệu đồng (áp dụng đối với tổ chức);
Hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tại nơi công cộng (quy định theo điểm C, khoản 3, điều 12 về vi phạm quy định áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).
"Nếu hoạt động đó làm lây lan dịch bệnh, những người có trách nhiệm liên quan sẽ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 240 Bộ Luật Hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác", luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Đối với việc tài xế phải nộp tiền giữ "lốt", ông Đức cho rằng, đây là hoạt động mở cửa trong lúc bị cấm, đó là hoạt động nguồn thu bất hợp pháp. Nhiều khả năng, theo ông Đức, "đây là khoản thu bị bỏ ngoài sổ sách, kê khai".
Luật sư Trương Thanh Đức cho hay, cũng cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền có đảm bảo các điều kiện cần thiết để lưu thông hàng hoá, các ngành chức năng chậm trễ trong việc công bố danh sách 5 địa điểm khiến doanh nghiệp lúng túng, dẫn đến tình trạng tự phát.
"Cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ"
Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, việc bến xe Nước Ngầm không được trưng dụng là nơi tập kết, bốc dỡ hàng hoá, nhưng vẫn thực hiện việc đó thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh và xử lý.
Theo ông Liên, bến xe Nước Ngầm gần khu cách ly Tứ Hiệp, là "vùng vàng", "vùng cam", vấn đề kiểm soát an toàn phòng chống dịch cần được thực hiện rất nghiêm ngặt và gắt gao.
“Trong bối cảnh cả nước căng mình phòng chống dịch, các cơ quan có thẩm quyền phải rất vất vả để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, thì việc tập kết, bốc dỡ hàng hoá cần được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Ai cũng phải có trách nhiệm trong phòng chống dịch. Những trường hợp vi phạm, các lực lượng chức năng xử lý nghiêm trường hợp vi phạm”, ông Liên cho hay.
Những địa điểm nào được bố trí tập kết, trung chuyển hàng hoá?
Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có 5 địa điểm được bố trí địa điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, gồm:
Khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên)
Khu tái định cư ở xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn)
Ô đất trống ở xã Dương Xá (huyện Gia Lâm)
Bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông)
Trung tâm Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (số 489 đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm).