Giá quặng sắt tạo áp lực lên biên lãi gộp quý IV
Theo VDSC, HPG dự kiến sẽ bán được khoảng 930.000 tấn thép xây dựng thành phẩm, tăng 15% YoY. Trong khi đó, giá quặng sắt tăng sẽ ảnh hưởng xấu đến biên gộp của HPG trong quý IV. Giá thép thanh của HPG dự kiến tăng dần lên mức 11.350 đồng/kg vào cuối năm 2020, khiến giá bán trung bình năm 2020 đạt 10.860 đồng/kg, giảm 10% YoY.
Trong mảng nông nghiệp, lợi nhuận được kỳ vọng đạt 318 tỉ đồng, tương đương với 10% tổng lợi nhuận trong quý IV. Cả năm 2020, lợi nhuận dự kiến đạt 11.990 tỉ đồng, tăng 59% YoY.
“Dịch bệnh có thể gây ra những khó khăn cho xuất khẩu và sự phục hồi chậm trong thu nhập, khiến nhu cầu cho ô tô và máy móc tương đối yếu. Mặc dù đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của HPG trong những năm tới, chúng tôi cho rằng các kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2020 đã được phản ánh vào giá. Chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu 33.600 đồng mỗi cổ phiếu HPG và khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu này trong ngắn hạn”, VDSC nhận định.
VDSC cho rằng giá quặng sắt tạo áp lực lên biên lãi gộp của HPG trong quý IV.
“Giá loại nguyên liệu này đã tăng mạnh từ tháng 6 và đạt đỉnh ở mức 130 USD/tấn vào tháng 9. Diễn biến giá không thuận lợi của quặng sắt trong quý III sẽ tác động lên biên lãi gộp của HPG trong quý IV do công ty này duy trì thời gian tồn kho khoảng 4 tháng. Chúng tôi ước tính chi phí sản xuất thép bình quân của HPG sẽ tăng khoảng 10% QoQ trong quý IV.
Trong khi đó, giá bán thép bình quân có thể chỉ tăng khoảng 5% QoQ trong quý IV. Vì vậy, biên lãi gộp của công ty nhiều khả năng sẽ giảm từ 20,9% trong quý III về 18,1% trong quý IV”, VDSC phân tích.
VDSC dự phóng giá quặng sắt sẽ có xu hướng giảm giá trong quý IV do các hoạt động khai khoáng tại Brazil, nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 2 thế giới, đã dần hồi phục. Sản lượng xuất khẩu quặng của nước này trong tháng 9 đã tăng 21% so với tháng 8, đạt mức 38 triệu tấn, mức cao nhất từ năm 2015.
VDSC nhận định lợi nhuận mảng nông nghiệp của HPG trong quý IV nhiều khả năng giảm so với các quý trước: “Theo Tổng Cục Thống kê Việt Nam, đàn heo trong nước đã tăng 3,6% YoY trong tháng 9, trong khi đó, lượng heo xuất chuồng giảm 3,2% YoY. Vì vậy, chúng tôi cho rằng sản lượng heo đang dần hồi phục và tình hình cung cầu sẽ cân bằng vào quý IV.
Giá heo hơi thấp hơn sẽ khiến lợi nhuận mảng nông nghiệp giảm từ 456 tỉ trong quý III về 318 tỉ trong quý IV. Tuy nhiên, mảng này sẽ tiếp tục đóng góp 10% lợi nhuận trong quý IV. Trong cơ cấu lợi nhuận gộp của mảng nông nghiệp, chăn nuôi heo và bò đóng góp lần lượt 63% và 24%”.
Nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời
Theo VDSC, lợi nhuận của HPG đã đạt đỉnh trong quý III và được phản ánh vào giá cổ phiếu, vì vậy, tiềm năng tăng giá không còn nhiều trong năm nay.
“Hiện tại, dựa trên EPS dự phóng năm 2020, chỉ số P/E của HPG là khoảng 10,4x, mức chúng tôi cho là hợp lý trong năm 2020. Mức P/E trượt hiện tại, khoảng 10,9x, cao hơn đáng kể so với P/E trung bình 5 năm là 7,5x. Trong khi đó, chỉ số P/B trượt đạt 2,1x, và đã vượt mức P/B trung bình 5 năm. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 90% từ đầu năm, cao hơn nhiều so với mức giảm 6% của chỉ số VN-INDEX từ đầu năm đến nay”, VDSC phân tích và khuyến nghị "các nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời".
Đối với các nhà đầu tư dài hạn, VDSC cho rằng HPG vẫn là lựa chọn tốt khi giá trị nội tại ước đạt 40.100 đồng mỗi cổ phiếu, dựa trên phương pháp FCFF.