Chủ trọ thu tiền điện giá "chát"
Những ngày này, không khí Hà Nội trở nên ngột ngạt dưới cái nắng “cháy da cháy thịt”, nhưng với xóm chạy thận trên đường Lê Thanh Nghị, cuộc sống còn vất vả hơn, vì họ phải sống trong con ngõ chật hẹp, phòng trọ chưa đến 10m2 được lợp ngói fibro ximăng đã nứt vỡ, vá bằng những tấm tôn và đan xen với những tấm nhựa mỏng.
Hơi nóng bốc lên hầm hập, mồ hôi vã như tắm, nhưng chẳng ai dám sử dụng điều hoà... vì chủ trọ thu tiền điện quá cao.
Bà Nguyễn Thị Oanh (Hải Dương), một bệnh nhân tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị cho Lao Động biết, ở đây, nhiều chủ nhà chấp hành quy định của Nhà nước khi chỉ thu 2.500 đồng/kWh, tuy nhiên cũng có chủ nhà thu giá điện lên tới 4.000 đồng/kWh.
“Thời tiết nắng nóng như thiêu như đốt, nhiều gia đình muốn lắp điều hoà để sử dụng nhưng lại đắn đo vì giá điện cao quá, không theo được. Với những bệnh nhân ở xóm chạy thận, sức khoẻ ngày càng yếu, kinh tế không làm ra cho nên phải chịu đựng cảnh nắng nóng như thế này”, bà Oanh cho hay.
Bà Trương Thị Thu (Hoà Bình) – một bệnh nhân ở xóm chạy thận khác cũng đang phải chịu cảnh 4.000 đồng/kWh cho biết, giá điện cao nên bà không dám lắp điều hoà, thậm chí ban ngày, quạt cũng chỉ dám bật 2-3 tiếng đồng hồ khi nghỉ trưa. Để làm mát, bà mua thêm 10.000 đồng tiền đá để vào chậu nước hoặc chườm vào tay, giúp giảm nhiệt trong phòng.
Theo bà Thu, thanh toán tiền điện ở đây không có hoá đơn chứng từ gì, đến cuối tháng, chủ trọ đến đọc số điện và quy ra tiền thôi.
“Không hoá đơn, không nhắn tin, tiền điện được thông báo miệng thôi. Chúng tôi cũng phản ánh với chủ trọ về việc giá điện cao quá nhưng chủ trọ không đồng ý giảm, thậm chí còn nói rằng nếu ở được thì ở, không ở được thì chuyển chỗ khác”, bà Oanh cho hay.
Ông Hoàng Văn Tuấn (Nam Định) cũng chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai gần 10 năm nay. Một tuần, ông chạy thận 3 ngày, những ngày rảnh, ông làm thêm nghề xe ôm để kiếm tiền chữa bệnh. Trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội, người dân hạn chế đi lại khiến thu nhập của ông giảm sút.
"Khu tôi trọ - họ vẫn thu 4.000 đồng/kWh, thời tiết quá nóng, tôi định bụng sắm được cái điều hoà cũ, nhưng nghĩ đến tiền điện cao quá nên lại thôi. Nhiều khi cố chạy xe kiếm tiền đến mệt lả người, về chỉ muốn ngủ, nhưng nằm xuống giường nóng hầm hập không ngủ được, nhiều lúc thức đến 3 giờ sáng", ông Tuấn cho hay.
Chịu thiệt vì "tặc lưỡi" cho qua
Thời điểm này, những người ở nhà trọ vốn đã chật vật trong cuộc sống, giờ phải gánh thêm mức tăng tiền điện quá cao.
Nguyễn Phương Duy – sinh viên một trường đại học trên địa bàn quận Cầu Giấy cho hay, anh sống một mình và đi làm thêm cả ngày, chiều tối mới về nhà trọ nhưng hằng tháng cũng sử dụng trên gần 200 kWh, phải trả tiền điện trên 800.000 đồng mỗi tháng.
“Vào mùa nắng nóng thế này, dù có cố gắng tiết kiệm điện cũng khó vì về đến nhà là phải mở quạt máy chạy liên tục, tắt quạt, tắt điều hoà một chút là không thể nào ngủ được”, Duy nói.
Theo Duy, nhiều năm qua, thực hiện chủ trương của thành phố Hà nội, nhiều chủ nhà trọ đã cam kết không tăng tiền nhà trọ và không tăng tiền điện nước đối với những người thuê nhà trọ.
Tuy nhiên, không phải chủ nhà trọ nào cũng thực hiện nghiêm túc, mặc dù đã có quy định xử phạt đối với những trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện quá cao.
Qua tìm hiểu, hầu hết người thuê trọ đều nắm được thông tin các chủ nhà trọ không được thu điện cao hơn giá quy định, nhưng bản thân họ hầu như không phản ứng lại với chủ trọ.
Lý do vì những người thuê trọ ngại chuyển nhà, những nơi chủ trọ lấy đúng giá quy định đều không còn chỗ, chuyển đi chỗ khác vẫn phải chấp nhận mức giá cao nên người thuê trọ không còn lựa chọn.